Trong số những “của ngon, vật lạ” nức tiếng vùng đất Tây Bắc, có một đặc sản được mệnh danh là “vàng đen” của núi rừng, người dân săn tìm ráo riết, đó chính là đặc sản hạt dổi. Loại hạt này là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho bà con dân tộc vùng núi phía Bắc. Không chỉ có giá trị kinh tế cao, đặc sản này còn chứa vô vàn lợi ích trong đời sống sinh hoạt của con người.
Không chỉ có giá trị kinh tế cao, hạt dổi còn chứa vô vàn lợi ích trong đời sống sinh hoạt của con người.
Hạt dổi là loại hạt của cây dổi. Đây là loại cây thân gỗ sống lâu năm, có tên khoa học là Michelia tonkinensis. Cây dổi còn được gọi là Giổi, có chiều cao trung bình khoảng 10-20m, tán lá vô cùng rậm rạp. Bà con dân tộc vùng núi phía Bắc thường dùng gỗ từ loài cây này để xây nhà, làm củi, do nó mọc rất phổ biến và dễ tìm.
Loài cây dổi vốn có 2 loại, một là dổi hạt (Michelia tonkinensis) và dổi xanh (Michelia mediocris). Dổi xanh hạt đắng không ăn được mà chỉ trồng để lấy gỗ. Cây dổi thường mọc ở độ cao 700-1500m. Đối với người dân Tây Bắc, hạt dổi là vị thuốc quý với tác dụng chữa các chứng bệnh về tiêu hoá và xương khớp, đồng thời có thể dùng làm gia vị cho các món ăn hằng ngày.
Mùa hoa dổi nở rộ bắt đầu từ tháng 3 cho đến tháng 4 hàng năm. Hoa có màu trắng, mọc ở đầu cành và có hương thơm nhẹ nhàng. Kết thúc tháng 4 thì hoa sẽ tàn dần để bước vào giai đoạn tạo quả. Quả dổi sẽ chín hoàn toàn trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Khi quả dổi chín cũng là thời điểm bà con sẽ tiến hành thu hoạch để tách lấy hạt bên trong. Do cây có chiều cao khá lớn nên bà con thường sẽ chờ quả dổi tự rụng từ trên cao xuống đất để thu hoạch. Hạt dổi khi mới lấy ra khỏi quả sẽ có màu đỏ tươi như máu rất đẹp mắt, sau khi khô sẽ chuyển sang màu đen.
Hạt dổi khi mới lấy ra khỏi quả sẽ có màu đỏ tươi như máu rất đẹp mắt, sau khi khô sẽ chuyển sang màu đen.
Để có thể sử dụng được hạt dổi, nó sẽ được mang đi phơi khô hoàn toàn. Khi này hạt tuy đã khô héo nhưng vẫn có mùi thơm tỏa ra. Nhờ đó mà người dân có thể dùng hạt dổi đem nướng chín, sau đó giã nhỏ để làm thành gia vị tẩm ướp cho các món ăn.
Bên cạnh vì hương vị nổi trội, bởi những khó khăn trong việc nuôi trồng và thu hoạch, hạt dổi trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Vì thế, nhiều người ví loại gia vị này như “vàng đen” của núi rừng Tây Bắc.
Để có thể cho quả lấy hạt, cây dổi mất 5 năm để phát triển. Tuy nhiên, phải có tuổi đời trên 10 năm, cây mới có thể sản sinh lượng hạt ổn định từ 3kg trở lên. Những cây dổi mới lớn chỉ có thể cung cấp từ 0,5kg - 0,7kg hạt.
Ngoài ra, dổi là loài thân gỗ thẳng đứng, cao 15-20m, ít cành. Việc hái lượm diễn ra khó khăn. Để thu hoạch dổi, thường giao cho những người bản địa giỏi leo trèo thực hiện, hoặc chờ cho dổi chín rụng xuống thì tiến hành thu gom.
Các món ăn như thịt trâu gác bếp, thịt lợn nướng, cá nướng hay thậm chí là tiết canh đều sử dụng hạt dổi để làm gia vị tẩm ướp. Hương vị thơm ngon từ hạt dổi sẽ giúp tăng độ ngon ngọt cho món ăn, khiến bạn khó có thể quên được.
Điểm đặc biệt nhất của hạt dổi nằm ở chính hương vị đặc trưng. Khác với các gia vị phổ biến trong bữa cơm gia đình Việt (hành, tỏi, tiêu,...), mùi hương của hạt dổi rất riêng biệt, khó trộn lẫn.
Bên cạnh việc sử dụng để làm gia vị, hạt dổi còn có rất nhiều lợi ích đáng kinh ngạc đối với sức khỏe con người. Theo như khoa học nghiên cứu, trong hạt dổi chứa rất nhiều hoạt chất sinh học quý giá như flavonoid, alkaloid,... các loại khoáng chất như canxi, sắt, kẽm, photpho,... vô cùng tốt đối với cơ thể.
Ngoài ra trong hạt còn chứa tinh dầu với hoạt chất safrol, nhờ đó hạt dổi có khả năng hỗ trợ tiêu hóa, chữa đau bụng, khó tiêu, chống oxy hóa và kháng viêm hiệu quả. Rất nhiều lương y đã sử dụng hạt dổi trong nhiều bài thuốc chữa bệnh dân gian của mình.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)