Để có một món ăn ngon, đẹp, bổ dưỡng thì không chỉ ở nguyên liệu tươi ngon, cách chế biến mà còn phụ thuộc vào cách nêm nếm, tẩm ướp gia vị sao cho hài hòa. Cũng là những gia vị như muối, đường, hạt nêm, mì chính... nhưng với mỗi cách nêm nếm khác nhau lại cho ra một hương vị món ăn khác nhau và quan trọng là ở chỗ nêm nếm thế nào để giữ được hương vị của món ăn mà không làm mất đi chất dinh dưỡng vốn có.
Mới đây, một mẹ đảm đã chia sẻ một số bí quyết mà bản thân học hỏi được cũng như qua quá trình nấu ăn đúc kết ra được.
- Đối với các món nấu ăn không có vị chua thì nêm theo trình tự mặn - ngọt - thơm - cay để cho gia vị có vị mặn, ngọt thấm vào đồ ăn ngon hơn. Còn các vị thơm, cay như tỏi băm, hành tím, tiêu, rượu, mè, ớt... vào sau để giữ được mùi thơm cũng như hương vị đặc trưng mong muốn.
- Đối với các món nấu ăn có vị chua thì nêm theo trình tự chua - ngọt - mặn - thơm - cay.
1. Muối
- Đối với món canh, luộc, xào: Nên cho muối ở giai đoạn nước bắt đầu sôi, thực phẩm chuẩn bị chín.
- Đối với món kho nướng: Để thức ăn được thấm và ngon thì nêm muối vào giai đoạn ướp gia vị.
- Nếu không may nấu canh bị mặn thì ta cho thêm khoai tây để làm giảm độ mặn.
2. Mì chính
- Đối với món canh, luộc, xào: Nêm khi đồ ăn đã chín hoặc vừa tắt bếp. Cũng không nêm khi đồ ăn đã nguội vì mì chính hòa tan kém ở nhiệt độ thấp.
- Đối với món kho, nướng, gỏi: không nên cho mì chính.
3. Đường
- Đối với món canh: Nêm khi đồ ăn đã chín hoặc tắt bếp.
- Đối với món kho: Để thức ăn được thấm và ngon thì nêm đường vào giai đoạn ướp gia vị.
- Đối với món nướng: không nên cho đường vào vì dễ gây cháy khét. Nên cho đường vào phần làm nước sốt.
- Đối với nước dùng nên dùng đường phèn để nước dùng ngọt thanh.
4. Hạt nêm
- Đối với món canh, luộc, xào: Nên cho hạt nêm ở giai đoạn nước bắt đầu sôi, thực phẩm chuẩn bị chín.
- Đối với món kho, nướng: Để thức ăn được thấm và ngon thì nêm hạt nêm vào giai đoạn ướp gia vị.
5. Nước mắm
- Đối với món canh, luộc, xào: Nêm khi đồ ăn đã chín hoặc tắt bếp.
- Đối với món kho: Để thức ăn được thấm và ngon thì nêm nước mắm vào giai đoạn ướp gia vị.
6. Nước tương
- Đối với các món xào: Nêm khi đồ ăn đã chín hoặc tắt bếp.
7. Tiêu
- Nêm khi đồ ăn đã chín tới hoặc rắc khi đã bày ra đĩa.
8. Dầu ăn
- Để dầu ăn khi chiên được trong và thơm thì thêm vài lát gừng.
9. Mỡ lợn
- Muốn mỡ lợn được trắng, thơm không hôi thì khi chiên mỡ cho thêm bát nhỏ nước, 1 thìa nhỏ muối, 2 củ hành khô, vài lát gừng.
10. Hành tỏi
- Để thái hành không bị cay mắt: khi chuẩn bị thái hành thì thoa 1 khoanh/lát khoai tây tươi lên bề mặt dao.
- Nên bóc vỏ tỏi và đập dập/băm tỏi trước 10-15 phút trước khi nấu ăn.
- Hành tỏi khi nấu ăn dùng không hết hoặc làm một lần dùng vài lần thì hành tỏi dập dập, băm nhỏ cho vào lọ thủy tinh đổ dầu ăn vào ngâm, hoặc bảo quản ngăn đá.
- Để khử mùi hôi của hành tỏi thì dùng bã cà phê hoặc chà tay lên muỗng thìa bằng thép không gỉ khoảng 30 giây sẽ giúp mùi hôi giảm đi đáng kể.
11. Gừng, riềng, nghệ
- Ngoài cách bảo quản gừng, riềng trong tủ lạnh thì có thể bảo quản gừng, riềng bằng cát.
12. Rượu
- Khi nấu nướng không nên cho hết rượu vào món ăn ngay từ đầu mà chỉ nên dùng một nửa. Phần còn lại, khi hoàn tất mới cho.
13. Giấm
- Đối với món xào cho giấm vào từ đầu giúp bảo vệ các loại vitamin có trong rau củ.
- Đối với món sườn xào chua ngọt nên cho giấm vào khi thức ăn đã chín để giữ được hương thơm đồng thời làm giảm cảm giác.
14. Gạo, loạt hạt khô
- Muốn bảo quản được lâu tránh bị mọt thì thêm vài nhánh tỏi.
15. Ớt
- Nếu không ăn được cay mà cắn phải ớt, để giảm cay hãy uống 1 chút sữa tươi hoặc ăn sữa chua.
- Để giảm việc thái ớt không bị cay thì trước khi thái nên thoa một chút dầu ăn vào tay.
16. Để giảm các mùi tanh
- Pha 1 chậu nước cho chút muối, vài lát chanh tươi, lá húng lủi hoặc bạc hà vò ra để rửa hoặc xịt.
17. Nước dùng rau củ
- Để tạo nồi nước dùng cho vị ngọt thì dùng các loại rau củ để tạo vị ngọt mà không cần các gia vị như đường, mì chính hay hạt nêm: Củ cải, cà rốt, su hào, mướp, hành tây, hành tím, lê, táo, mía, ngô, nấm... khi nấu cần dùng nước lạnh, để lửa vừa, cắt nhỏ, đồng thời những củ quả có nhiều tinh bột, dễ chín thì cho vào sau.
- Để tạo nồi nước dùng có vị chua thì dùng: cà chua, sấu, me, dứa, khế...
18. Để nước dùng trong, ngon
- Để nấu một nồi nước dùng trong, ngon, ngọt thanh đạm cần chú ý về nguyên liệu tươi ngon, thời gian nấu, cách nêm nếm gia vị, lửa đun to đến lúc sôi, khi sôi hạ lửa nhỏ riu riu, thêm các loại rau củ phù hợp theo từng loại.
+ Thời gian đối với xương lợn, gà không quá 6 tiếng. Các loại rau củ có thể cho thêm như củ cải, hành tây, dứa, nấm...
+ Thời gian đối với xương bò không quá 10 tiếng. Các loại củ cho thêm để giảm mùi hôi của bò như gừng, sả, quế, hồi.
+ Thời gian đối với hải sản không quá 1 tiếng. Để bớt tanh thì nên dùng thêm gừng, sả, hành tây...
- Nên thêm một chút đường phèn để nước dùng được ngọt thanh và hớt bọt nếu có.
- Nước dùng cần đun sôi sau đó mới thả xương, thịt vào.
19. Gia vị nấu phở
- Để nấu một nồi nước dùng phở ngoài nước ninh xương, thịt thì không thể thiếu được gia vị đặc trưng của phở như: Hành, gừng nướng, quế thanh, hoa hồi, thảo quả, hạt ngò hoặc rễ ngò, tiêu hạt chưa xay.
20. Đuổi kiến, gián
- Nếu khu vực để gia vị hay có kiến ghé thăm thì nên đặt vài tép tỏi hoặc gừng. Mùi của gừng, tỏi sẽ làm kiến, gián không dám lại gần.
- Nhỏ vài giọt chanh trên đường kiến đi cũng khiến chúng tan đàn ngay.
Theo facebook: Nguyễn Thư
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)