Ốc nhồi còn được gọi là ốc bươu đen, ốc lác... Đây là một loài ốc nước ngọt, có thân mềm thuộc họ Ampullariidae. Ở Việt Nam, ốc nhồi thường sinh sống hoặc được nuôi tại các khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Nam Bộ. Hằng năm, ốc nhồi sẽ ngoi lên mặt nước để tìm thức ăn vào khoảng tháng 2 âm lịch, sau đó đẻ trứng từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch. Vào những khoảng thời gian khác, ốc nhồi thường sẽ ngủ đông nên không ăn gì cả.
Trứng ốc nhồi có màu vàng trắng hoặc màu trắng pha một chút màu đen, nhìn hoàn toàn khác với trứng ốc bươu vàng vốn có màu đỏ hoặc màu hồng.
Trứng ốc nhồi đang được rao bán giá lên đến 800.000 đồng/kg.
Nhận thấy nhu cầu thị trường đối với trứng ốc, anh Trần Văn Tuân (làng Bầng, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hoá, Thái Nguyên) năm nay đã chuyển hướng thu hoạch trứng về bán.
“Mỗi buổi sáng, tôi sẽ đi thu hoạch trứng sau đó đóng thùng và gửi đi cho từng khách”, anh vừa nói vừa đóng hàng gửi cho khách. Anh chỉ tay vào thùng xốp để trứng ốc và cho biết trứng này đang bán mức giá 800.000 đồng/kg.
Khách đặt mua rất nhiều mà mỗi ngày anh chỉ thu được khoảng 3-5kg trứng, không đủ trả cho khách. Có người còn đặt mua 7kg trứng ốc và chấp nhận khi nào có hàng gửi cũng được.
Trứng ốc sẽ nở sau 12-14 ngày, người nuôi cần kiểm tra hàng ngày.
Sở dĩ khách hàng giờ chuộng mua trứng ốc hơn mua ốc giống là vì người dân mua con giống thì hay bị lẫn loại ốc dòng nhỏ nên họ mua trứng cho yên tâm.
“Trên thị trường có loại ốc nhồi đại và ốc nhồi nhỏ, trong đó ốc có loại bé thì khoảng 40-50 con/kg đã sinh sản rồi, loại này sản lượng thấp, thị trường không ưa chuộng, giá bán thấp nên nhiều người không thích. Nếu mua con giống nhỏ, nhiều hộ gia đình mua bị lẫn cả loại ốc này. Còn loại ốc kích thước to, ốc đạt 12-25 con/kg là đã sinh sản được rồi. Ốc nhồi đại sẽ được thị trường ưa chuộng hơn nhiều, giá cả cũng cao hơn”, anh nói.
Khi mua trứng ốc, khách hàng dễ phân biệt hơn vì kích thước trứng to hơn nhiều so với loại trứng ốc size nhỏ kia. Khi nhận trứng, mọi người sẽ phải xếp ra khay hoặc vào rổ ấp và đưa vào thùng xốp. Hàng ngày, người nuôi sẽ phải kiếm tra và xịt ẩm, sau khoảng 12 - 14 ngày trứng sẽ nở.
Hiện, trang trại nhà anh nuôi khoảng 3-4 tạ ốc bố mẹ (khoảng 1 vạn ốc). Vì vậy, mỗi ngày thu được nhiều nhất cũng chỉ 3-5kg trứng. Khách hàng đặt nhiều, anh hầu như nợ đơn và trả dần. “Thật ra trứng ốc đại mới được nhiều người mua và giá cao vậy. Một số trang trại nuôi loại ốc nhỏ thì giá trứng rẻ và khó bán hơn nhiều”, anh nhận định.
Trứng ốc được đóng vào thùng xốp để gửi cho khách ở các tỉnh.
Ưu điểm của ốc đại là sản lượng và tốc độ sinh trưởng tốt hơn loại nhỏ, trong khi đó chất lượng thịt như nhau. Vì vậy, người nuôi tất nhiên họ sẽ chọn loại nào đem lại giá trị kinh tế cao hơn để nuôi.
Theo anh, trứng ốc chỉ có từ tháng 3 đến tháng 8 Âm lịch. Trứng ốc khi đóng vào thùng đem gửi trong thời tiết nắng nóng này cũng cần phải biết cách bảo quản để trứng không bị vỡ, không bị khô, không làm ảnh hưởng đến chất lượng.
Anh sử dụng lót bông kèm khăn ướt để giữ được trứng không vỡ và duy trì độ ẩm. Nếu không làm cẩn thận, trứng có thể bị hỏng hết trong quá trình vận chuyển xa.
Trên thị trường, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm nơi mua trứng ốc, giá cả dao động từ 300 - 400 nghìn đồng/kg đến 800.000 đồng/kg, tùy thuộc vào từng giống ốc. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều người, việc chọn người bán có tâm là điều rất cần thiết để đảm bảo mua được trứng chất lượng.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)