Nhiều loài côn trùng như dế, cào cào, bọ cạp hay kiến, châu chấu… từ lâu đã trở thành món ngon độc đáo với con người. Thế nhưng đa số chúng ta sẽ rùng mình khi nghĩ đến việc ăn một con sâu hoặc sâu bướm. Có thể những loài sâu trơn nhẵn trắng múp hoặc xanh mát trông hiền lành có thể sẽ khiến nhiều người suy nghĩ về việc ăn thử, nhưng để có thể thưởng thức loại côn trùng lông lá và đáng sợ này thì cần nhiều can đảm hơn thế.
Loài côn trùng lông lá đang được nhắc đến ở đây là Mopane, một con sâu bướm lớn thuộc loài Gonimbrasia belina, thường được gọi là “Bướm đêm Hoàng đế”. Nó được đặt tên là mopane, vì nó ăn lá cây mopane sau khi nở vào mùa hè và chỉ có thể được tìm thấy ở các quốc gia Nam Phi.
Tuy vẻ ngoài trông có vẻ gớm ghiếc nhưng loài sâu này được coi là nguồn protein dồi dào cho người dân nghèo châu Phi qua nhiều thế hệ và tới thời điểm hiện tại nó rất được ưa chuộng. Nhất là ở Zimbabwe, sâu bướm Mopane là một trong những món ăn đặc sản phổ biến ở cả nông thôn lẫn thành thị. Chúng có sẵn trong hầu hết từ các siêu thị, những nhà hàng đắt tiền đến các quán ăn tại địa phương và có giá cao hơn hầu hết các loại thực phẩm khác.
Trên Amazon, sâu Mopane sấy khô được bán với giá 0,6 USD/g. Tính ra, 1kg sẽ có giá khoảng 600 USD (tương đương 13,5 triệu đồng) - đắt hơn cả tôm hùm. Dù giá rất đắt nhưng sâu bướm Hoàng Đế vẫn được nhiều người săn lùng vì có thể chế biến thành món ăn bổ dưỡng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sâu bướm Mopane có hàm lượng protein gấp ba lần thịt bò. Ngoài ra, sâu bướm Monape còn là một nguồn cung cấp đáng kể các chất kali, natri, canxi, phốt pho, magie, kẽm, mangan, đồng.
Ước tính chỉ riêng Nam Phi đã buôn bán 1,6 triệu kg sâu bướm Mopane hàng năm. Ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 8 triệu USD hàng năm cho khu vực này. Còn tại thời điểm hiện tại, người ta ước tính rằng 9,5 tỷ sâu bướm Mopane hàng năm được thu hoạch ở Nam Phi trên 20.000km2 rừng cây mopane. Số sâu bướm này này trị giá 85 triệu USD.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)