Cây hộp cát sở dĩ có tên như vậy là vì quả của nó được dùng để đựng bột thấm, dùng để ngăn mực không bị lem khi viết trên giấy da.
Chất độc của cây hộp cát có thể khiến người ta mù mắt
Thuộc họ Euphorbiaceae, cây hộp cát mang đặc tính độc hại như nhiều loài khác trong họ này. Một cây trưởng thành có thể cao hơn 40 mét, với đường kính thân từ 6 đến 7 mét. Quả của cây, khi chín, phát nổ mạnh đến mức chất độc từ quả có thể gây mù lòa, khiến cây hộp cát nằm trong danh sách mười loài cây nguy hiểm nhất thế giới.
Thân cây được bao phủ bởi những chiếc gai cứng, và ngay cả cành, lá cũng có các gai nhỏ, làm cho hầu hết động vật không dám leo lên. Độc tính của cây trải khắp cơ thể, chứa chất terpenoid gây kích ứng nghiêm trọng cho da và có thể gây mù lòa nếu dính vào mắt. Việc vô tình ăn phải quả cây có thể dẫn đến tiêu chảy nặng, thậm chí tử vong.
Khi quả chín, cây hộp cát phát nổ bất ngờ, bắn các mảnh vỏ với tốc độ lên tới 200 km/h, xa tới 41 mét, tạo ra âm thanh như tiếng súng. Sức mạnh của vụ nổ tương đương một quả bom cỡ trung, có thể gây thương tích nghiêm trọng và nguy cơ nhiễm độc cho người bị trúng.
Mặc dù mang độc tính cao, cây hộp cát cũng có giá trị trong y học. Lá cây được sử dụng làm bài thuốc chữa bệnh chàm, trong khi hạt có tác dụng nhuận tràng nhờ đặc tính tẩy. Ở Nam Mỹ, vỏ cây được dùng để điều trị bệnh phong, thấp khớp và đau đầu. Vì vậy, dù cây hộp cát không phổ biến, việc trồng và khai thác loại cây này vẫn có giá trị nhất định.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)