Gỗ hóa thạch - loại gỗ được ví như "báu vật từ lòng đất".
Theo các chuyên gia, gỗ hóa thạch là kết quả của quá trình hóa thạch diễn ra hàng triệu năm, trong đó các thân cây bị chôn vùi dưới nham thạch sau các đợt phun trào núi lửa. Trong quá trình này, khoáng chất như thạch anh, opal và canxedon thẩm thấu vào các mao mạch gỗ, thay thế dần cấu trúc hữu cơ ban đầu, biến gỗ thành đá với độ cứng cao, chỉ đứng sau kim cương.
Gỗ hóa thạch thường xuất hiện từ thời kỳ Triassic và Jurassic, cách đây khoảng 100-250 triệu năm, với cơ chế hóa thạch tương tự như xương động vật. Quá trình hình thành này diễn ra liên tục và cần những điều kiện tự nhiên đặc thù như sự ổn định về nhiệt độ và áp suất.
Gỗ hóa thạch màu xanh ngọc bích được coi là quý hiếm nhất.
Gỗ hóa thạch có màu sắc đa dạng, từ xám, nâu đến đỏ, cam vàng và đen; trong đó, màu xanh ngọc bích được coi là quý hiếm nhất. Theo các nhà thần học phương Tây, quá trình thạch anh hóa đã biến đổi khúc gỗ mục nát thành đá quý, mang lại cho gỗ hóa ngọc trường năng lượng bền vững và vĩnh cửu. Do đó, nhiều người tin rằng gỗ hóa thạch là biểu tượng của sự trường thọ.
Gỗ hóa thạch được định giá dựa trên độ tinh xảo, màu sắc và kích thước. Trường hợp nổi tiếng nhất được ghi nhận là một khối gỗ hoá thạch dài 30,5m, chu vi khoảng 6m từng được định giá lên tới 55 tỷ kyat (hơn 600 tỷ đồng). Cây gỗ quý này được phát hiện tại làng Bibinsan, thị trấn Magway, thuộc tỉnh Magway tại Myanmar do một người nông dân tình cờ tìm thấy trong lúc đào ruộng. Hiện tại, khối gỗ này đang được trưng bày tại một bảo tàng địa phương, trở thành niềm tự hào lớn của ngành khảo cổ và địa chất.
Một khúc gỗ hóa thạch trong tự nhiên.
Loại gỗ quý hiếm này được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, loại gỗ hóa thạch này được tìm thấy nhiều nhất ở khu vực dãy núi Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai. Đặc biệt, tại Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) có đặt một khúc gỗ hóa thạch nặng 7,8 tấn, được gắn biển là cây gỗ hóa thạch lớn nhất Việt Nam. Khúc gỗ này có niên đại hàng triệu năm, được phát hiện tại miệng núi lửa Chư A Thai.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, cây gỗ hóa thạch trưng bày tại Công viên Đồng Xanh chưa phải là lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, cây gỗ hóa thạch ở Gia Lai chỉ bằng khoảng 2/3 so với cây gỗ hóa thạch đặt tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Đáng chú ý, cây gỗ ở bảo tàng này có đường kính từ 1,6 - 1,8m và thậm chí có thể vẫn chưa phải là gỗ hóa thạch lớn nhất nước ta.
Khối gỗ hóa thạch nặng tới gần 8 tấn ở Gia Lai.
Bên cạnh Công viên Đồng Xanh, ở Gia Lai còn nhiều địa điểm khác trưng bày những khúc gỗ hóa thạch đã được tìm thấy. Điển hình tại Bảo tàng Gia Lai, nơi lưu giữ các hiện vật văn hóa và lịch sử của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, cũng có một gian trưng bày riêng dành cho các mẫu gỗ hóa thạch được tìm thấy ở Tây Nguyên. Đặc biệt, ngay trung tâm thành phố Pleiku, gần quảng trường Đại Đoàn Kết cũng có một khối gỗ hóa thạch khổng lồ.
Với điều kiện địa chất đặc thù, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn trong việc phát hiện và khai thác gỗ hóa thạch. Không chỉ là một tài sản quý giá, loại gỗ này còn mang ý nghĩa văn hóa và lịch sử, trở thành món đồ trang trí cao cấp được ưa chuộng.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng để khai thác hiệu quả và bền vững, cần có những chính sách quản lý chặt chẽ và đầu tư vào nghiên cứu, bảo tồn. Gỗ hóa ngọc không chỉ là một báu vật tự nhiên mà còn là minh chứng sống động cho lịch sử hàng triệu năm của Trái đất.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)