Su hào là loại củ có nhiều vào mùa đông. Không chỉ củ ăn được mà lá cũng có thể dùng để xào nấu. Su hào giúp tăng cường miễn dịch, chống lại bệnh tật, đặc biệt khi trời lạnh cơ thể chúng ta thường hay suy giảm miễn dịch, ăn su hào sẽ giúp bồi bổ tốt hơn. Theo y học cổ truyền, củ su hào có tính mát, vị ngọt hơi đắng, có tác dụng hóa đờm, giải khát, giải độc, lợi thủy, tiêu viêm.
Theo phân tích thông tin của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 100 gram su hào cung cấp 27 kcalo, 1,7 g chất đạm, 6,2 g carbohydrate, 3,6 g chất xơ, 24 mg canxi, 19 mg magiê, 46 mg phốt pho, 350 mg kali, 20 mg natri, 62 mg vitamin C, 22µg beta caroten, 16 µg folate.
Su hào giúp cải thiện tiêu hóa
Su hào giúp tiêu hóa dễ dàng hơn nhờ lượng chất xơ dồi dào. Su hào giúp duy trì hệ lợi khuẩn trong đường tiêu hóa hỗ trợ bệnh trĩ, ung thư ruột kết. Những người tiêu hóa kém, hay bị táo bón khi ăn su hào luộc sẽ hỗ trợ giải quyết tình trạng này.
Su hào hỗ trợ giảm cân
Với thành phần chính là nước, su hào có tới 91% khối lượng su hào là nước, còn lại là chất xơ, các vitamin và khoáng chất khác. Lượng calo trong su hào cũng ít nên giúp giảm cân. Chị em muốn giảm cân có thể ăn suhao luộc hoặc hấp chấm cùng muối vừng cực ngon.
Su hào thanh lọc máu và bổ thận
Su hào còn chứa nhiều vitamin B6, C và khoáng chất potassium là những chất giúp thanh lọc máu, chống huyết áp cao và bổ cho thận. Su hào giúp đào thải các cặn bã tích tụ ra khỏi cơ thể và khơi thông hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng một lượng vừa đủ su hào để chúng phát huy công dụng tốt nhất bởi lượng dùng quá nhiều rất dễ gây tổn hao khí huyết.
Su hào tốt cho bà mẹ mang thai
Các khoáng chất trong su hào như selen, folic, magie, kali,... là những dưỡng chất thiết yếu cần trong quá trình mang thai giúp phát triển thai nhi, chống táo bón cho mẹ bầu. Mẹ bổ sung đầy đủ những vi chất này sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ, đồng thời hỗ trợ hệ thần kinh và não bộ của bé phát triển toàn diện hơn.
Su hào hỗ trợ nâng cao đề kháng
Vì chứa hàm lượng vitamin C lớn, su hào hỗ trợ tăng cường miễn dịch. Su hào giúp giảm nguy cơ nhiễm cảm cúm nhiễm lạnh trong mùa đông. Hàm lượng vitamin C dồi dào còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ngăn ngừa ung thư,... Loại vitamin này còn cải thiện sự hấp thu và phục hồi các nguồn cung cấp vitamin E, tăng cường sức khỏe.
Su hào cực giàu kali nên giúp chế hoạt động của hệ thần kinh tốt hơn và hỗ trợ hoạt động cơ bắp tốt hơn. Cung cấp đủ kali cho cơ thể còn giúp tăng tốc độ xử lí thông tin của não bộ lên nhanh chóng.
Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng su hào:
Su hào có hàm lượng các chất dinh dưỡng cực cao, đặc biệt là khi ăn sống, uống sống. Do đó, trẻ nhỏ, những người có hệ tiêu hóa kém hoặc bị đau dạ dày không nên sử dụng su hào theo cách này vì rất dễ gây đau bụng.
Tương tự như bông cải, súp lơ,... su hào cũng chứa nhiều goitrogens và một số hợp chất thực vật có thể gây sưng phù tuyến giáp do đó những người có bệnh tuyến giáp nên ăn vừa phải và không nên ngày nào cũng ăn.
Khi mua su hào, không nên chọn những củ quá to. Nên chọn những củ có kích thước từ trung bình đến nhỏ, có nhiều lá non vì su hào non thường ngọt và mềm hơn.
Khi dùng su hào hãy ăn cả lá. Lá su hào cực tốt để hỗ trợ cải thiện giấc ngủ, chống mất ngủ, khó ngủ.
Su hào nên chế biến dạng luộc hấp ăn sẽ lành mạnh nhất. Ngoài ra bạn có thể dùng su hào nấu canh xương, canh cá hoặc dùng su hào muối chua. Su hào cũng có thể bào nhỏ trộn gỏi làm nộm.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)