Có một loại rau chẳng thể trồng cũng không thể chăm, mọc ngoài ruộng lúa, bờ đê, lẩn trong gốc rạ mục, khi vụ lúa kết thúc, nên giống "cỏ dại" hơn là rau. Từ thân cho tới lá đều được phủ một lớp lông trắng muốt như tơ, sờ vào rất mượt. Ấy chính là rau khúc.
Mùa xuân, ấy là lúc loài rau kỳ lạ này xuất hiện rộ nhất. Hạt năm trước ngủ vùi trong đất, gặp mưa xuân là tự khắc trổ lên, lớp lớp khóm trước chen khóm sau, xanh mướt quanh những gốc rạ vừa gặt.
Khi xưa, chẳng rõ do phương pháp canh tác lúa tự nhiên, không khí trong lành hay hệ sinh thái cân bằng, rau khúc mọc đầy các thửa ruộng, bứng hết lứa này thì lứa khác lại lên. Người già kể lại, mùa xuân các bà các mẹ ra đổng mót rau khúc về làm xôi, nấu canh ăn; dư dả đến mức chỉ chọn loại bánh tẻ (không non cũng không già) làm món, còn cọng già đem vãi ra sân, gà vịt ăn "cho mát ruột".
Giờ thì rau khúc hiếm hơn nhiều, người ta phải săn tìm, phải đặt trước, hẹn hò từ trước, may mới mua được. Trên các sàn thương mại điện tử, người ta còn bán cả rau khúc trữ đông, đóng gói hút chân không, 100 lạng cũng 45.000 - 50.000 đồng, chứ nào có rẻ rúng gì.
Rau khúc tẻ hay khúc nếp đều dùng nấu ăn được. Khúc tẻ thường nấu canh, khúc nếp làm xôi khúc, bánh khúc. Nhưng đến tầm hiếm, muốn kén chọn cũng khó, chỉ cần đúng là rau tươi, đúng mùa là mừng rồi.
Nguyên liệu làm ra món bánh khúc đơn giản, nhưng hương vị gây thương nhớ
Thứ rau dân dã, bé nhỏ như cỏ dại ấy được mê vì nó là nguyên liệu không thể thiếu cho món xôi khúc. Thứ xôi này phổ biến, nhưng làm cũng cầu kỳ, chẳng thế mà được coi là đặc sản của Hà Nội, của miền Bắc.
Lá khúc phải rửa sạch, giã nhuyễn rồi trộn với bột nếp, nhào nặn thật kỹ làm vỏ bánh. Có người chỉ dùng nước cốt, có người cho cả thân lá vào cho dậy mùi, làm thế nào cũng có kiểu ngon riêng. Đậu xanh làm nhân bánh phải lựa loại lòng vàng, bở thơm. Thịt thì chọn thịt ba chỉ hơi nhiều mỡ, ướp cùng với hạt tiêu, mắm muối…
Mỗi viên bột nếp trộn lá khúc dàn đều mỏng ra, cho nhân đậu xanh thịt vào rồi nắm lại, cỡ nắm tay em bé là vừa. Người ta để chõ đồ xôi lên bếp, lăn cái bánh qua một lần gạo nếp rồi cho vào hấp, cứ thế cho đến khi những hạt nếp căng mẩy bám vào những chiếc bánh dẻo thơm trở trong, mùi thơm của bánh bốc ra ngào ngạt.
Xôi khúc làm khá cầu kỳ, nhiều công đoạn
Thành phẩm ngon là khi lớp xôi bên ngoài trắng tinh, phần bánh dẻo xanh màu lá khúc, ôm lấy nhân đỗ vàng ươm tươm mỡ từ miếng thịt ướp hạt tiêu cay nồng mềm như tan nhừ ra. Như thể mỹ vị nhân gian hội tụ ở đây.
Ngày nay, phần vì lá khúc hiếm và đắt, người ta khó có thể thưởng thức món ăn này nguyên bản. Nhiều người bán hàng, tiếng là bán xôi khúc, nhưng thực ra toàn độn lá bắp cải già, lá rau cải bó xôi, rau cải cúc, lá nếp... cho có màu, còn hương vị chẳng thể nào giống được.
Món bánh khúc làng Diềm nổi tiếng Bắc Ninh, làm từ lá khúc, bột nếp, nhân đậu xanh hoặc thịt, mộc nhĩ
Không chỉ ở Việt Nam, một số quốc gia Đông Á cũng ăn rau khúc. Ở Nhật, người ta có tục ăn cháo bảy thứ rau, trong đó có rau khúc vào ngày bảy tháng Giêng để có sức khỏe trong năm mới.
Ở Đài Loan cũng có món bánh ngon làm bằng rau khúc mọc trên vùng núi Alisan tương tự như bánh khúc, chỉ lấy lá khúc giã nhuyễn trộn bột nếp bọc nhân rồi hấp chín.
Cũng có khi người ta ăn lá khúc như rau luộc.
Món bánh tẻ lá khúc, làm từ bột gạo tẻ, nhân thịt, mộc nhĩ
Rau khúc còn có tên gọi mỹ miều khác là "Phật nhĩ thảo" (cỏ tai Phật), "thanh minh thảo" (cỏ thanh minh). Theo Đông y, rau khúc vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc, đi vào kinh phế. Cây có tác dụng hóa đàm, trừ phong hàn, chữa ho nhiều đờm, suyễn thở, cảm lạnh phát sốt, đau gân cốt, bạch đới, ung thũng, trị mụn nhọt…
Dù rau khúc giờ trở nên khan hiếm và đắt đỏ, nó vẫn sống hồn nhiên ở đâu đó, được người ta mua về vào mùa xuân, nâng niu mà làm thành thức ăn đầy thương nhớ. Từ loại cỏ thôn dã, nó thành đặc sản với người thành phố như vậy đó.
Hoàng Mai (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)