Loài cây quý, thời xưa chỉ vua chúa mới được trồng trong sân vườn
Loài cây không chỉ mang giá trị hương liệu mà còn dùng làm cảnh, đặc biệt được giới nhà giàu săn đón. Đó chính là cây mộc hương.
Được biết, cây mộc hương hay còn gọi là quế oa, hoa mộc, mộc tê, tên khoa học là Osmanthus fragrans. Đây là loài thực vật vốn có nguồn gốc từ châu Á, xuất hiện nhiều ở châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mộc hương phân bố ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Mộc hương là cây thân gỗ, chiều cao từ 3 - 12 m, lá màu xanh với chiều dài từ 6 đến 15 cm, có hình dạng bầu, mép có răng cưa và xuất hiện nhiều đường gân rõ rệt.
Hoa của loài cây này rất thơm và nở quanh năm, nhưng thời điểm rực rỡ và tỏa mùi ngất ngây nhất là vào mùa thu.
Hoa mộc hương có nhiều màu sắc khác nhau như trắng, vàng nhạt... Bông hoa rất nhỏ đường kính chỉ khoảng 1cm và mọc thành chùm. Hoa có 4 cánh và có mùi hương rất quyến rũ. Cây mộc hương ra rất ít quả, có kích thước nhỏ, màu xanh lục và có hạt.
Ngoài ra, lá và hoa mộc hương còn được dùng để làm trà. Từ xưa, người dân đã dùng hoa mộc hương để ướp và pha như trà, làm bánh hoa quế và rượu hoa quế, đều cho hương vị rất thơm ngon. Trà mộc hương có tác dụng điều hòa huyết áp, giảm mỡ máu.
Trong Đông y, cây mộc hương được dùng để bào chế các loại thuốc chữa bệnh khác nhau. Hoa mộc hương có vị cay, nóng nên được chế thành thuốc chữa đau bụng và phần quả thì có thể dùng để chữa các bệnh về gan, dạ dày. Còn rễ cây mộc hương được dùng để chữa bệnh về xương khớp, đau lưng do thận yếu...
Mộc hương còn được dùng như một loại hương liệu dùng để tắm gội của người phụ nữ. Ngoài ra, tinh dầu của cây mộc hương còn được chiết xuất để làm nước hoa.
Thời xưa chỉ có vua, chúa hay các quan được trồng cây mộc hương trong sân, vườn.
Mộc hương được đại gia săn đón, là công cụ "đổi đời" của nông dân
Trên thị trường chủ yếu có hai loại mộc hương, là mộc mương "ta" (mộc hương có xuất xứ ở Việt Nam) và cây mộc hương xuất xứ từ Trung Quốc. Giá trị giữa 2 giống này có sự chênh lệch khá lớn, vẻ ngoài của chúng cũng có nhiều khác biệt. Theo đánh giá của các chuyên gia, mộc hương ta có ngoại hình và chất lượng tốt hơn, do đó, cây được ưa chuộng và có giá trị cao hơn.
Những cây mộc hương nhiều năm tuổi ở Việt Nam hiện tại không còn nhiều. Những cây còn sót lại đều được nuôi trồng cẩn thận, có tuổi thọ cao, giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Những cây mộc hương này từng được giới đại gia Trung Quốc lùng mua lại với giá cao.
Một cây mộc hương lâu năm được bán với giá tiền tỷ
Có không ít câu chuyện về việc mua bán cây mộc hương khiến giới cây cảnh phải "choáng váng".
Chẳng hạn như, vào năm 2021, giới buôn bán cây cảnh chứng kiến một vụ trao đổi cặp cây "huynh đệ" mộc hương với một kie lan đột biến Tuyết đỉnh hồng. Giá trị trao đổi trong thương vụ này được định giá là 1 triệu USD (hơn 25 tỷ đồng).
Hay vào năm 2017, một đại gia cây cảnh có tiếng ở Sapa (Lào Cai) từng vác cả bao tải tiền và đổi thêm một chiếc xe ô tô hạng sang nữa để mua 4 cây mộc hương cổ thụ tuổi đời trên 100 năm. Tổng giá trị của 4 cây mộc hương lúc đó lên tới gần 4,5 tỷ đồng.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Nam Định đã đưa cây mộc hương về trồng, góp phần đa dạng cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong những năm 2021 đến 2023, trung bình 1 sào mộc hương mang lại thu nhập khoảng 80 triệu đồng/sào/năm.
Mộc hương cũng là loại cây làm giàu của nông dân ở xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nhờ thành công trong việc trồng và kinh doanh mộc hương, xã Hồng Việt, từ một xã vùng xa, khó khăn của huyện Đông Hưng trở thành xã có kinh tế phát triển năng động.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)