Với mức sống ngày càng được cải thiện, nhiều người thích trồng cây cảnh trong nhà để làm cho ngôi nhà trở nên ấm áp và đẹp đẽ hơn. Trong quá trình trồng, chăm sóc cây cảnh, hầu hết mọi người đều cảm thấy thư thái, thanh thản.
Các cây cảnh, loài hoa xanh tươi thường có tác dụng giải tỏa và chữa lành tâm hồn rất lớn. Tuy nhiên, cũng có 1 số cây cảnh gây hại cho sức khỏe của gia chủ mà mọi người cần thận trọng khi trồng.
Do đó, bạn cần tìm hiểu đặc tính của từng loại cây cảnh trước khi trồng chúng, tránh cho thiệt thân, hại người, rơi vào tình trạng "hoa tươi người héo".
Cây cô tòng
Loại cây này còn có nhiều tên gọi khác nhau như cây lá đốm, cây lá màu, cây cô tòng lá mít,… tên tiếng Anh là Codiaeum variegatum. Tuy cây không nở hoa nhưng lá lại có màu sắc sặc sỡ, không hề thua kém các loại hoa, cây cảnh khác.
Tuy nhiên lá của cây này cũng có độc, nhựa của nó chứa rất nhiều độc tố. Nếu nhựa dính vào da có thể gây kích ứng da. Không chỉ cành lá mà thân và rễ của cây đều có độc. Vì vậy cần hết sức cẩn thận khi trồng, nhất là nhà có trẻ em.
Vạn niên thanh
Đây là một loại cây thường xanh thuộc họ Araceae, nhựa của nó không chỉ gây kích ứng da, mắt mà thậm chí có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa nếu vô tình ăn phải. Trong trường hợp nặng, người ăn phải có thể bị hôn mê.
Vạn niên thanh tuy có độc nhưng lại có khả năng thanh lọc không khí mạnh mẽ, rất hữu ích trong việc cải thiện không khí trong nhà. Vì vậy, nếu muốn trưng cây này trong nhà, bạn nên cân nhắc thật kỹ, nếu trồng hãy đặt xa tầm tay của trẻ em.
Cây san hô xanh
Loại cây này còn được gọi là cây kim giao, cây xương khô, cây xương cá,… là một loại cây mọng nước, tỷ lệ ra hoa rất thấp, hoa có màu trắng vàng, trông rất nhỏ nhắn và dễ thương.
Nhựa của cây san hô xanh có độc, nếu vô tình có thể gây sưng miệng, ngứa rát họng. Ngay cả khi vô tình chạm vào nhựa cũng có thể gây ngứa, vì vậy cần phải cẩn thận khi trồng, đặc biệt là khi nhà có trẻ em.
Hoa thủy tiên
Hoa thủy tiên rất dễ trồng, sau khi nở hoa trông rất đẹp và có hương thơm nồng nàn. Hơn nữa, loài hoa này còn tượng trưng cho sự đoàn viên, sum họp nên được nhiều người ưa chuộng.
Trong thân cây thủy tiên có một chất nhầy màu trắng như lòng trắng trứng gọi là latin, nếu vô tình ăn phải có thể gây nôn mửa, đau bụng, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Dạ lý hương
Sống lâu trong môi trường trồng cây dạ lý hương dễ bị nhức đầu, khó chịu, suy nhược cơ thể, thậm chí là rụng tóc. Những người bị dị ứng phấn hoa cũng nên tránh tiếp xúc với loài hoa này kẻo khiến bệnh tình nặng hơn.
Loài hoa này có hương thơm nồng nàn, cách xa cả trăm mét vẫn ngửi thấy mùi. Mùi hương này cũng có tác dụng đuổi muỗi nhưng nó có chứa một số chất độc bay hơi.
Cây môn tai Phật
Cây này còn có tên gọi khác là môn lá tim thân thảo, lá của nó nhẵn bóng, cuống lá vươn dài, có thể sống tốt trên cạn lẫn dưới nước. Môn tai Phật có khả năng thanh lọc không khí rất tốt, lại dễ trồng và dễ chăm sóc.
Nhưng đừng để bị đánh lừa bởi vẻ ngoài của nó, cây cảnh này rất độc, có thể gây ngứa, kích ứng da nếu chạm phải nhựa. Nếu ăn phải, chất ancaloit trong cây có thể kích thích trực tiếp hệ thần kinh trung ương, gây tê liệt tim trong trường hợp nặng.
Cây trúc đào
Loại cây này có hoa nở đẹp, nhưng toàn thân cây từ lá, cành đến hoa, rễ đều có độc. Độc tính có trong trúc đào rất cao và đã có nhiều thông báo cho thấy trong một số trường hợp chỉ cần một lượng nhỏ cũng đã đủ gây tử vong.
Đáng kể nhất trong số các chất độc có trong cây trúc đào là oleandrin và neriin, đều là các glycoside tim mạch. Các nghiên cứu đã chỉ ra, ăn 10 đến 20 lá trúc đào thì người lớn cũng có thể bị nguy hiểm tính mạng và chỉ 1 lá cũng có thể gây tử vong ở trẻ em.
Hoàng Vũ (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)