Lễ Phật Đản vào ngày nào?
Đại lễ Phật Đản, hay còn gọi là Đại lễ Vesak, là sự kiện trọng đại, thiêng liêng được tổ chức hằng năm của Tăng Ni, Phật tử trên toàn thế giới. Đại lễ Vesak kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là: Đức Phật đản sinh, Thành đạo, và nhập Niết bàn. Đại lễ Vesak đã được Liên hợp quốc có nghị quyết xác lập là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình từ năm 1999. Kể từ đó, Đại lễ Vesak đều được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc và tại các quốc gia hằng năm.
Lễ Phật Đản không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn là một dịp để các Phật tử trên khắp thế giới cùng hướng về giáo lý của Đức Phật, thực hành từ bi, trí tuệ và lan tỏa tinh thần hòa bình. Tại Việt Nam, Đại lễ Phật Đản là một sự kiện trọng đại trong năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được tổ chức long trọng với nhiều nghi thức truyền thống như rước kiệu, tắm Phật, thuyết giảng Phật pháp, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng và các hoạt động từ thiện xã hội.
Theo truyền thống Phật giáo, Lễ Phật Đản thường được tổ chức vào ngày Rằm tháng 4 âm lịch (15/4 Âm lịch).
Năm 2025, Lễ Phật Đản sẽ rơi vào ngày 12 tháng 5 năm 2025 theo dương lịch.
Ngoài ngày chính lễ, các hoạt động mừng Phật Đản thường kéo dài trong suốt nửa đầu tháng 4 âm lịch. Theo Thông bạch của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các địa phương sẽ tổ chức Đại lễ Phật Đản từ ngày mùng 1 đến Rằm tháng 4 năm Ất Tỵ (tức từ ngày 28/4 đến 12/5/2025 dương lịch).
Lễ Phật Đản 2025 sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 4 Âm lịch, tức ngày 12 tháng 5 năm 2025 Dương lịch (Ảnh minh họa).
Lễ Phật Đản và những điều cần biết
Có nên thắp hương trong Lễ Phật đản?
Thắp hương là một nghi thức phổ biến trong các nghi lễ Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của Việt Nam. Tuy nhiên, ý nghĩa thật sự của việc thắp hương không nằm ở số lượng nén hương hay mùi thơm lan tỏa, mà là ở lòng thành và tâm niệm khi hành lễ.
Trong lễ Phật đản, thắp một nén hương tượng trưng cho việc dâng lên Đức Phật lòng thành kính, nguyện noi theo đạo hạnh của Ngài để chuyển hóa bản thân. Khi thắp hương nên chú ý không cần nhiều hương, không dùng hương hóa chất cuốn tàn vì có thể ảnh hưởng sức khỏe và môi trường.
(Ảnh minh họa).
Lễ Phật đản có nên đốt vàng mã không?
Đốt tiền giấy vàng mã là một tập tục phổ biến trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thường nhằm mục đích "gửi" tiền tài, vật phẩm cho người đã khuất. Tuy nhiên, trong Phật giáo, đốt vàng mã không phải là một nghi thức được khuyến khích. Nhiều lần giáo hội đã có khuyến cáo không nên thờ cúng tiền giấy vàng mã.
Hơn nữa vàng mã, tiền giấy khi đốt có thể tăng nguy cơ hỏa hoạn, cháy nổ. Chúng lại gây tốn kém lãng phí. Tiền mã vàng giấy cũng được sản xuất với nhiều phẩm màu, chất cháy nên có thể ảnh hưởng tới môi trường sống.
Đức Phật dạy rằng tất cả chúng sinh đều chịu sự chi phối của nghiệp báo. Những hành vi như đốt vàng mã không giúp giải thoát hay thay đổi nghiệp lực mà chỉ có tu tâm dưỡng tính, làm việc thiện, tụng kinh và hồi hướng công đức mới là cách đúng đắn để trợ duyên cho người đã mất và bản thân.
Đặc biệt, trong ngày lễ trọng đại như Phật đản, việc đốt vàng mã không chỉ đi ngược lại tinh thần thanh tịnh, giản dị của đạo Phật mà còn gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài sản.
Do đó nếu gia đình bạn có thờ Phật thì việc dâng cúng Phật nên theo khuyến khích của đạo Phật. Nếu tại gia đình có ban thờ gia tiên, bạn có thể cúng tiền giấy, đốt vàng mã nhưng không nên lạm dụng. Nếu muốn hồi hướng công đức cho gia tiên theo Phật thì không nên dùng tiền giấy vàng mã.
(Ảnh minh họa).
Có nên cúng rượu trong lễ Phật đản?
Phật giáo dạy ngũ giới, trong đó giới thứ năm là "không uống rượu và các chất gây say". Rượu được xem là thứ dễ khiến con người mất kiểm soát hành vi, suy giảm trí tuệ và dễ phạm phải lỗi lầm. Vì vậy, việc dâng rượu trong lễ Phật là điều hoàn toàn không phù hợp.
Đức Phật không uống rượu, và chư Tăng Ni cũng không dùng rượu. Việc dâng rượu trong các mâm lễ chỉ là ảnh hưởng từ tập tục dân gian, không có trong nghi lễ Phật giáo. Nếu muốn bày tỏ lòng thành, có thể thay bằng nước sạch, trà thơm, hoa quả tươi – những lễ vật thanh tịnh, nhẹ nhàng và biểu trưng cho sự giác ngộ.
Do đó thờ Phật thì không chỉ trong lễ Phật đản mà mọi lúc mọi nơi không dùng rượu. Nếu ban thờ gia tiên riêng thì đặt rượu trên ban gia tiên, không đặt rượu ở ban thờ Phật. Nếu hồi hướng công đức theo Phật thì ở ban gia tiên cũng không cần thờ rượu.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)