Lao động nữ không nghỉ làm ngày "đèn đỏ" sẽ được trả thêm tiền lương
Căn cứ Khoản 4 Điều 137 Bộ Luật lao động năm 2019, lao động nữ trong ngày "đèn đỏ" có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút và thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn rõ về thời gian nghỉ trong ngày ngày "đèn đỏ" của lao động nữ. Theo đó, lao động nữ có quyền được nghỉ 30 phút/ngày và tối thiểu 3 ngày làm việc trong một tháng do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp.
Theo điểm c Khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020, trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ trong ngày "đèn đỏ" và được sự đồng ý của người sử dụng lao động để làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng của ngày làm việc đó, lao động nữ còn được trả thêm tiền lương đã làm trong thời gian lẽ ra được nghỉ ngơi; và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
Lao động nữ không nghỉ làm ngày "đèn đỏ" sẽ được trả thêm tiền lương. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút/ngày trong ngày "đèn đỏ", trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác, thì sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng theo điểm d Khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022.
Đồng thời, người sử dụng lao động buộc phải trả tiền lương cho lao động nữ tương ứng với thời gian không được nghỉ trong ngày "đèn đỏ". Trường hợp không trả đủ, người sử dụng lao động sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng theo điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022.
Thủ tục xin nghỉ chế độ ngày đèn đỏ
Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về việc nghỉ chế độ ngày đèn đỏ khá đơn giản. Theo đó, lao động nữ gặp ngày đèn đỏ chỉ cần thông báo với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của người đó.
Về hình thức thông báo, Nghị định 145/2020/NĐ-CP không giới hạn hình thức nên lao động nữ có thể tùy chọn thông báo cho người sử dụng biết bằng một trong các cách như: Bằng lời nói, tin nhắn, gọi điện thoại, gửi email, viết đơn,…
Để tránh tranh chấp về việc giải quyết quyền lợi sau này, người lao động nên lưu lại bằng chứng về việc mình đã gửi thông báo đến người sử dụng lao động.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)