Càn Long tự nói rằng: “Trung Quốc cái gì cũng có, không cần tới những thứ bổ sung từ thương buôn nước ngoài mang vào”. Càn Long những năm cuối đời kiêu ngạo tự mãn, không chấp nhận những thứ mới lạ, còn không chấp nhận lưu thông buôn bán, thương mại với nước Anh. Ông còn không tiên tiến, cởi mở như Khang Hy, Khang Hy 52 tuổi còn có thể chấp nhận sô cô la được du nhập từ nước ngoài về, hơn nữa còn đích thân ăn thử một miếng.
Khang Hy được coi là một vị vua có tư tưởng cởi mở, tân tiến trong 12 vị vua triều Thanh. Trong khoảng thời gian ông trị vì đã có rất nhiều giáo sĩ nước ngoài như Johann Adam Schall von Bell hay Ferdinand Verbiest được Khang Hy trọng dụng. Những nhà truyền giáo này đều thể hiện những khoa học kỹ thuật tiên tiến ở phương Tây cho ông xem, ông đều rất vui vẻ học tập.
Từ nhỏ cơ thể Khang Hy đã yếu ớt hay ốm bệnh. Năm 3 tuổi bị thủy đậu đã lấy đi nửa cái mạng của ông, nhờ có sự chăm sóc tận tình của Tô Ma Lạt Cô và vú nuôi đã cứu ông từ quỷ môn quan về. Năm 1693, bệnh tật lại tìm đến Khang Hy, khi ấy căn bệnh sốt rét đang hoành hành cũng quấy nhiễu khiến ông phải nằm giường bệnh mấy ngày trời mà vẫn không khỏi, thái y sốt ruột chạy đôn chạy đáo, đem tất cả thuốc thang mình có cũng không thể cứu chữa được cho Khang Hy.
Nhưng mệnh Khang Hy cũng không phải mệnh bình thường, lần này lại có quý nhân phù trợ. Có một giáo sĩ nước ngoài nói “Quinine” có thể trị bệnh sốt rét cho Khang Hi, ngự ý trong hoàng cung vốn dĩ không tin thuốc Tây nhưng Khang Hy đã bệnh sắp chết rồi, họ cũng chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn, thế nên đã xác nhận Quinine là loại thuốc an toàn và cho Khang Hy dùng thuốc.
Không bao lâu sau thì quả nhiên Khang Hy đã khỏe lại, ông rất cảm kích vị giáo sĩ đã đem tới thứ thuốc chữa trị cho mình, từ đó cũng đã yêu thích thuốc tây, cho người đi khắp dân gian quảng cáo, truyền bá về loại thuốc này. Vậy thuốc tây với chocolate thì có liên quan gì đến nhau? Thực ra sô cô la ở triều Thanh không phải là một loại đồ ăn mà là một loại thuốc.
Chocolate ban đầu được người Mexico chế tạo ra để làm nước uống. Năm 1642 được du nhập vào Pháp, người Pháp thấy thứ nước uống này quá đắng, thế nên đã cho thêm đường và hương liệu vào loại nước này. Năm 1644, bác sĩ Học viện Y Paris đã phát hiện ra rằng mỗi ngày uống 2 cốc chocolate có thể duy trì thể lực trong một ngày, các quý tộc đã coi chocolate như thuốc để uống. Sau này chocolate đã được du nhập tới các quốc gia Châu Âu khác, họ cũng coi chocolate như một thứ thuốc.
Khi các giáo sĩ nước ngoài tới Trung Quốc đã đem cả chocolate tới. Khang Hy thấy các giáo sĩ thường xuyên ăn chocolate nên ông cũng muốn ăn nhưng lại sĩ diện không muốn đích thân đòi. Ngày 02 tháng 07 năm 1706, trên đường đi nghỉ mát đã bảo đại thần Hách Thế Hanh đi tìm.
Hách Thế Hanh biết chocolate chỉ có người ngoại quốc mới có, thế nên đã tìm các giáo sĩ nước ngoài để xin, trùng hợp gặp được giáo sĩ Doro đến từ Ý, ông đã mua hết toàn bộ 150 thanh chocolate từ giáo sĩ Doro về. 150 thanh chocolate ấy do ảnh hưởng bởi nhiệt độ nên có thanh đã bị chảy, có thanh thì trở nên xấu xí, mất mỹ quan. Nếu như cứ thế mang cho Khang Hy thì chắc chắn ông sẽ tức giận, thế nên Hách Thế Hanh đã lựa chọn ra 50 thanh đẹp nhất để mang đến cho ông.
Hách Thế Hanh nghe nói các quý tộc nước ngoài không trực tiếp dùng tay cầm chocolate cho vào miệng mà phải có dụng cụ ăn chuyên dụng. Ông cũng đã mô phỏng theo quý tộc phương Tây, chế tạo ra một cái dĩa bằng bạc và có tay cầm bằng gỗ. Khang Hy nhìn chocolate hỏi Hách Thế Hanh rằng tại sao không viết một bức tấu sớ liên quan tới tác dụng của “thuốc” chocolate, Hách Thế Hanh đã lập tức quỳ rạp xuống thỉnh tội xin Khang Hy hãy cho ông một cơ hội nữa. Khang Hy đã để ông đi hỏi rõ tác dụng của chocolate xong rồi hãy đem tới.
Hách Thế Hanh lại đi tìm giáo sĩ nước ngoài để hỏi tác dụng của chocolate và mới biết rằng ở phương Tây đây không phải là một loại thuốc: “Chocolate không phải là thuốc, ở America dùng nó như trà, mỗi ngày uống một hoặc hai lần”. Hách Thế Hanh đã đem những gì mình hỏi được viết thành một bản báo cáo dài cả ngàn chữ cho Khang Hy. Khi biết chocolate không phải là thuốc nên hứng thú ban đầu của Khang Hy cũng đã giảm đi nhiều, dưới cả ngàn chữ đó chỉ phê 3 chữ ngắn ngủi: “Ta biết rồi”.
Từ sau khi ăn một miếng chocolate, Khang Hy đã không còn hứng thú gì với chocolate nữa, không phải là vì ông không chấp nhận thứ mới lạ mà là hóa ra chocolate lại chẳng phải là thuốc. Thứ Khang Hy muốn là một “chocolate giống như thuốc” chứ không phải là một “chocolate giống như trà”, nếu mà muốn uống thì ở Trung Quốc có nhiều loại trà hảo hạng ngon hơn nhiều. Không có chocolate có thể chữa bệnh, ông đành cho chocolate vào “lãnh cung”, từ đó về sau không cho người cống nạp vào nữa.
Chocolate giờ đây lại rất phổ biến trong xã hội hiện đại, không còn là vật phẩm xa xỉ mà chỉ có tầng lớp quý tộc mới được ăn nữa. Chỉ cần bạn muốn ăn thì bên ngoài đâu đâu cũng có. Tuy chocolate ngon nhưng không nên ăn nhiều, có nghiên cứu khoa học chứng minh, một ngày nạp khoảng 25g chocolate là bình thường, nếu vượt quá 50g thì có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và khả năng hấp thu, tiêu hóa của dạ dày. Thế nên mọi người cần cẩn thận.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)