Tại khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô như sau: Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
Theo đó, thời gian làm việc tối đa của người tài xế xe ô tô là 10 giờ/ngày (không được quá 10 giờ/ngày) và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Ngoài ra, người vận tải và người lái xe ô tô phải chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Về cách tính thời gian lái xe ôtô, theo Thông tư 05/2024/TT-BGTVT ký ngày 31/3/2024, có hiệu lực từ 1/6/2024 như sau:
Tính toán thời gian lái xe:
Thời gian lái xe của một người lái xe được xác định khi người lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông (chỉ tính thời gian khi phương tiện di chuyển có tốc độ);
Quá thời gian lái xe liên tục được xác định khi có tổng thời gian lái xe của một người vượt quá 4 giờ nhưng người lái xe không dừng nghỉ theo quy định. Quá thời gian làm việc của người lái xe trong ngày được xác định khi có tổng thời gian lái xe của một người trong ngày vượt quá 10 giờ. Ngày làm việc của người lái xe được tính từ 00:00 giờ đến 24:00 giờ.
Ảnh minh họa.
Thông tư cũng quy định tính toán vi phạm thời gian lái xe:
Vi phạm thời gian lái xe liên tục: Được xác định khi có thời gian lái xe của một người vượt quá 4 giờ nhưng không dừng, đỗ xe trên 15 phút (áp dụng đối với xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt liên tỉnh và xe vận tải hàng hoá); trên 5 phút (áp dụng đối với xe buýt nội tỉnh, xe taxi) hoặc không đổi lái xe.
Bổ sung thuật toán: Đối với các đơn vị có truyền thông tin bật/tắt động cơ xe là một điều kiện tính toán, trong trường hợp phương tiện vẫn di chuyển nhưng không có dữ liệu thì vẫn tính thời gian lái xe liên tục.
Về mức xử phạt:
Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ
Đồng thời, tại điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước bằng lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Đối với chủ phương tiện giao cho người làm công, cho người điều kiển phương tiện thực hiện hành vi điều kiển xe quá thời gian quy định, căn cứ điểm d khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật giao thông đường bộ hoặc trực tiếp điều khiển phương quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật giao thông đường bộ.
Như vậy, nếu công ty là chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người làm công điều khiển xe quá thời hạn quy định, làm quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng. Còn nếu cá nhân là chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người làm công điều khiển xe quá thời hạn quy định, làm quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)