Làm thẻ căn cước mới nhưng không nộp CCCD cũ thì có bị xử phạt không?
Theo quy định tại khoản Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP về trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau:
Trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
3. Trường hợp cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, thẻ căn cước đang sử dụng.
Do đó, công dân thực hiện việc cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc thực hiện cấp đổi thẻ căn cước thì sẽ được người có thẩm quyền thu lại chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc thẻ căn cước đang sử dụng.
Khi đã làm thẻ căn cước thay cho CCCD, thì thẻ cũ không còn giá trị sử dụng. (Ảnh minh họa)
Hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt cụ thể về việc xử phạt đối với các trường hợp không nộp lại căn cước công dân cũ khi đi làm thẻ căn cước mới. Nhưng, có thể tham khảo những quy định trước đây về mức xử phạt đối với hành vị tương tự.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA ( hết hiệu lực thi hành) cũng có quy định buộc thu hồi lại CMND cũ khi cấp CCCD mới. Trường hợp không thực hiện nộp lại và vẫn tiếp tục sử dụng song song cả CMND và CCCD cùng lúc thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000 đến 500.000 đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Theo đó, tại Dự thảo nghị định, Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng thẻ CCCD, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử như sau:
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không xuất trình thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử;
Như vậy, khi làm căn cước mới, thì công dân sẽ được người có thẩm quyền thu lại CCCD cũ. Hiện chưa có quy định cụ thể về xử phạt đối với việc không nộp CCCD cũ, nhưng trước đây hành vi này có thể bị phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Đồng thời, Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định về vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng thẻ CCCD, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử. Người dân nên tuân thủ quy định để tránh bị xử phạt và đảm bảo tính pháp lý của giấy tờ tùy thân.
(Ảnh minh họa).
Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia như sau:
- Công dân lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì đăng ký thời gian và cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục, hệ thống sẽ xác nhận và tự động chuyển đề nghị của công dân đến cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước;
Công dân đến cơ quan quản lý căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP;
- Trường hợp bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được thì lựa chọn thủ tục cấp lại, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ căn cước đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp lại thẻ căn cước theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Căn cước 2023;
- Trường hợp người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thì lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của người dưới 06 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì người đại diện hợp pháp xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Lưu ý:
- Trường hợp cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, thẻ căn cước đang sử dụng.
- Trường hợp công dân không đến nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký hẹn làm việc với cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì hệ thống tiếp nhận yêu cầu của công dân sẽ tự động hủy lịch hẹn công dân đã đăng ký khi hết ngày làm việc. Nếu công dân tiếp tục có nhu cầu cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì đăng ký hẹn lại.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)