Ở các đô thị hiện nay, loại vạch kẻ đường dạng mắt võng khá phổ biến, thường được bố trí ở gần những ngã rẽ, quay đầu hoặc điểm dừng xe buýt,... Theo cách hiểu thông thường, tại khu vực có kẻ vạch mắt, các phương tiện không được phép dừng đỗ.
Vạch mắt võng trên đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: OFFB)
Theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, vạch kẻ 4.4 (kiểu mắt võng) thuộc nhóm vạch kênh hóa dòng xe, được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. Vạch kẻ kiểu mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường cần thiết không cho phép dừng xe.
Như vậy, khi điều khiển phương tiện trên khu vực có vạch mắt võng tài xế cần hiểu là không được phép dừng đỗ tất cả các loại xe. Tuy nhiên, một số trường hợp nếu người tham gia giao thông có di chuyển trên loại vạch này vẫn có thể bị CSGT xử phạt.
Theo đó, việc điều khiển phương tiện đi qua vạch mắt võng ở các ngã ba, ngã tư được chia thành 2 trường hợp như sau:
- Trên vạch kẻ mắt võng có kết hợp mũi tên chỉ hướng (như mũi tên rẽ phải hoặc quay đầu):
+ Những người đi theo hướng phải đi của mũi tên được phép đi qua;
+ Những người đi qua vạch nhưng không đi theo hướng mũi tên, ví dụ như lái xe đi thẳng ở khu vực vạch mắt võng cókết hợp mũi tên rẽ phải là vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.
- Vạch mắt võng không đi cùng mũi tên chỉ hướng:
+ Nếu đèn tín hiệu xanh, lái xe đi thẳng hoặc rẽ qua vạch mắt võng đều không vi phạm;
+ Nếu gặp đèn đỏ mà lái xe dừng tại vạch mắt võng thì bị xem là vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.
Trên vạch mắt võng có kèm mũi tên, các phương tiện buộc phải di chuyển đúng theo hướng mũi tên
Như vậy, nếu dừng hoặc di chuyển không đúng quy định tại khu vực có kẻ vạch mắt võng, lái xe vẫn có thể bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Cụ thể, theo Điều 5 và Điều 6 của Nghị định này, mức phạt lỗi "không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường" sẽ bị phạt tiền từ 200-400 nghìn đối với ô tô và 100-200 nghìn đối với xe máy.
Còn trong trường hợp cố tình dừng đỗ xe ở khu vực vạch mắt võng hoặc không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường gây tai nạn giao thông, lái xe còn có thể bị tước GPLX từ 2-4 tháng.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)