Gù hương - báu vật của Việt Nam
Gỗ gù hương hay còn được gọi là gỗ xá xị được xem là "báu vật" của Việt Nam vì nhiều lý do. Loài cây này được biết đến lần đầu vào năm 1913, trong một mô tả khoa học của nhà thực vật học Henri Paul Lecomte. Ông khẳng định rằng, gù hương là một loài cây hoàn toàn mới, là loài đặc hữu của Việt Nam, chưa từng được ghi nhận ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Điều này khiến loại cây nói trên càng được nhiều người chú ý hơn.
Gỗ gù hương - báu vậy quý giá của Việt Nam.
Cây gù hương có chiều cao trung bình khoảng 25m, cá biệt có nhiều cây sống cả trăm năm có chiều cao lên tới hơn 50m. Loài cây nđược phân bố chủ yếu ở các tỉnh thành từ Cao Bằng cho tới Quảng Ninh, hoặc ở trong miền Nam phân bố ở các tỉnh thành từ Quảng Nam cho tới Đà Nẵng.
Cây gù hương có rất nhiều lá dạng hình bầu dục, chiều dài lá từ 8-12cm, bề rộng 3-5cm. Phần chùy hoa mọc nhiều ở nách lá, khi nở hoa có màu trắng, mùi rất thơm. Hoa kết hạt có màu đen và chứa nhiều dầu, mùa hoa nở thường bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 4, cho ra quả vào tháng 7 đến tháng 8.
Quả và lá cây gù hương.
Loài cây độc đáo này có chứa rất nhiều tinh dầu thơm trong thân và lá cây, với thành phần chính đó là long não. Chính vì thế mà cây gù hương không hề bị mối mọt tấn công, gỗ bền đẹp và trường tồn với thời gian, vậy nên rất được ưa chuộng để khai thác phục vụ nhu cầu đóng đồ gỗ, bàn ghế, đồ mỹ nghệ,...
Ngoài ra cây có thể được chiết xuất tinh dầu phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như làm thuốc xua đuổi côn trùng, thuốc xoa bóp giảm đau, thuốc trị cảm mạo, cảm cúm. Rễ cây gù hương có thể dùng nấu lấy nước uống có khả năng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ tiêu hóa,...
Chính vì những tác dụng “thần kỳ” của cây gù hương khiến cho nó trở thành mặt hàng hút khách, được nhiều người ưa chuộng tìm mua, trong đó có cả những thương lái tới từ Trung Quốc.
Những bộ bàn ghế làm từ gỗ gù hương có giá trị rất cao.
Có thời điểm gỗ gù hương “hot” tới mức được các thương lái Trung Quốc thu mua với mức giá từ hàng trăm triệu cho đến cả tỷ đồng mỗi khối gỗ. Những bộ bàn ghế làm từ gỗ gù hương vì thế mà có giá trị rất cao.
Cả nước chỉ còn 53 cây gù hương
Tuy mang lại giá trị kinh tế cao, cây gù hương (hay còn gọi là xá xị) đang ngày càng trở nên quý hiếm. Kết quả nghiên cứu "Bảo tồn và phát triển cây gù hương" do Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ thực hiện trong 5 năm (từ tháng 7/2010 đến tháng 7/2015) đã khảo sát và đánh giá tình trạng phân bố và mức độ nguy cấp của loài cây này tại 3 tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Ninh Bình.
Điều đáng lo ngại là chỉ có tổng cộng 53 cây gù hương được tìm thấy tại 4 tỉnh, bao gồm: Phú Thọ (29 cây), Yên Bái (6 cây), Tuyên Quang (16 cây) và Ninh Bình (2 cây).
Điều tra cho thấy, gù hương chủ yếu tập trung trong vườn hộ gia đình (45/53 cây), số lượng cây ngoài tự nhiên còn rất ít (chỉ 8/53 cây) và chủ yếu phân bố tại hai khu vực cấm khai thác: khu di tích lịch sử Đền Hùng và vườn quốc gia Cúc Phương.
Loài cây này có khả năng tái sinh tự nhiên yếu. Khảo sát 53 cây gù hương cho thấy, chỉ có 15 cây có cây con mọc xung quanh gốc mẹ. Tuy tỷ lệ cây sinh trưởng tốt cao, nhưng cũng đáng lo ngại là tình trạng nhiều cây con mọc quá gần gốc mẹ, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả cụm cây.
Chỉ có tổng cộng 53 cây gù hương được tìm thấy tại Việt Nam.
Trước đó, theo "Điều tra đánh giá tình trạng bảo tồn các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc danh mục nghị định 32/2006/NĐ-CP" của Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lâm nghiệp Viện Điều tra Quy hoạch Rừng tháng 12/2010, số lượng quần thể và cá thể gù hương trong tự nhiên được ghi nhận như sau:
Vườn Quốc gia Ba Vì: 5 cá thể; Vườn Quốc gia Thần Sa: 100-200 cá thể (chỉ toàn cây tái sinh); Khu bảo tồn Hang Kia-Pà Cò: 2-3 cá thể/50ha (chỉ còn cây tái sinh chồi).
Hiện nay, chính quyền các tỉnh đang đẩy mạnh bảo tồn cây gù hương. Tiêu biểu là tỉnh Quảng Ninh, tháng 4 năm ngoái, Sở Khoa học và Công nghệ đã đăng thông báo kêu gọi tổ chức, cá nhân tham gia vào nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cây gù hương trên địa bàn. Hoạt động này nhằm góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của loài cây quý hiếm này.
Tại bản Ít, xã Nặm Păm, tỉnh Sơn La đang thực hiện mô hình trồng thí điểm 10ha cây gù hương xen canh với cây sơn trà. Theo ghi nhận ban đầu, tất cả diện tích cây đều phát triển tốt, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hiệu quả.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)