Ở Việt Nam, mọi người thường trồng một số loài cây cảnh trong nhà với ý nghĩa đem lại tài lộc cho gia đình như: cây kim phát tài (cây kim tiền), cây vạn niên thanh, cây lộc vừng... Nhưng có một loại cây tồn tại ngay ở Việt Nam tuy không mọc ra tiền, nhưng lại trổ ra vàng. Đó là cây bạch đàn, còn gọi là khuynh điệp.
Cây bạch đàn có khả năng trổ ra vàng.
Bạch đàn (tên gọi khác là cây khuynh diệp) có mặt hầu hết ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Theo nghiên cứu, rễ của cây có thể đâm sâu tới 40m để tìm kiếm nguồn nước và chất dinh dưỡng. Trong quá trình đó, những cây bạch đàn gần các mỏ vàng đã vô tình “hút” cả những bụi vàng trong lòng đất, sau đó dịch chuyển lên lá cây.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra, vàng là kim loại độc hại với cây cối nên được bị dịch chuyển tới các đầu mút của cây, chẳng hạn như lá cây, hoặc tới các vùng đặc biệt bên trong tế bào để làm giảm các phản ứng sinh hóa độc hại. Và dĩ nhiên, lượng vàng đó rất ít, chỉ khoảng 0,000005% trọng lượng chiếc lá. Các nhà khoa học đã phải dùng tới tia X mới có thể phát hiện ra sự tồn tại của chúng.
Đây cũng chính là hiện tượng độc nhất vô nhị trong giới thực vật và là lần đầu tiên giới khoa học phát hiện ra trường hợp vàng được tích hợp tự nhiên trong một sinh vật sống. Theo nhiều chuyên gia, nếu biết tận dụng khả năng của bạch đàn, có thể tìm kiếm ra nơi chứa vàng mà không cần đến những biện pháp làm tổn thương môi trường.
Cây bạch đàn được trồng rất nhiều ở Việt Nam.
Được biết trên thế giới cũng đã có nghiên cứu khoa học nhằm thu hoạch vàng từ các loại cây trồng đặc biệt như bạch đàn, mù tạt, hướng dượng... Kĩ thuật này có tên gọi phytomining. Bằng cách này, con người có thể lấy được vàng nano nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất, lĩnh vực vốn sử dụng các hạt nano vàng như vật xúc tác cho những phản ứng hóa học. Tuy nhiên, giá trị quan trọng nhất của nghiên cứu chính là khắc phục hậu quả của các khu mỏ vàng bị ô nhiễm.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)