Nghề chăm sóc sắc đẹp
Nghề chăm sóc sắc đẹp là dịch vụ cải thiện và duy trì vẻ đẹp ngoại hình của tất cả mọi người. Ngành này bao gồm các dịch vụ: chăm sóc da, làm tóc, trang điểm, chăm sóc móng cho đến các dịch vụ spa thư giãn, thẩm mỹ….
Trong những năm gần đây, lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp đã trở thành một nghề nghiệp không chỉ mang lại niềm đam mê mà còn có mức thu nhập ổn định và hấp dẫn. Ngành này không chỉ chú trọng vào việc cải thiện vẻ bề ngoài mà còn quan tâm đến sức khoẻ tổng thể của khách hàng. Một số lĩnh vực chính trong chăm sóc sắc đẹp bao gồm: spa, phun xăm thẩm mỹ, nối mi, chăm sóc móng và tạo mẫu tóc.
Nghề chăm sóc làm đẹp không chỉ mang lại niềm đam mê mà còn có mức thu nhập ổn định và hấp dẫn. (Ảnh minh họa)
Để vào nghề, bạn cần tham gia các khóa học nghề ngắn hạn, thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng, nhằm trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng cần thiết. Sau khi hoàn tất khóa học, bạn có thể bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành này.
Một điểm thuận lợi là hầu hết các khóa học chăm sóc sắc đẹp ngắn hạn không yêu cầu bằng tốt nghiệp THPT. Chỉ với giấy tờ tùy thân hợp lệ và thái độ làm việc nghiêm túc, bạn hoàn toàn có thể tiến xa trong lĩnh vực này.
Mức lương cho những nhân viên mới vào nghề thường dao động từ 8-10 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và kỹ năng ngày càng được nâng cao, con số này có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba, mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp hấp dẫn trong tương lai.
Nghề đầu bếp
Đầu bếp là chỉ công việc chế biến và mang những món ăn ngon, hương vị hấp dẫn đến cho các thực khách. Đầu bếp là người có kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ nấu nướng để tạo ra các món ăn tại các như nhà hàng, khách sạn hay bếp ăn của các công ty. Ngoài ra người đầu bếp còn thực hiện một số công việc khác như lên menu hoặc giám sát trong nhà bếp.
Nghề đầu bếp chưa bao giờ ngừng "hot", đây cũng là một lựa chọn hấp dẫn cho những ai không có bằng tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa)
Trên thị trường việc làm hiện nay, nghề đầu bếp là nghề chưa bao giờ ngừng 'hot' bởi vì nhu cầu ăn uống của con người ngày càng cao cấp và liên tục đổi mới.
Tại Việt Nam, ngành du lịch và ẩm thực đang có sự phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Mặc dù nghề đầu bếp thường được xem là đầy thử thách, đòi hỏi sự chăm chỉ và kiên trì, nhưng đây lại là một lựa chọn hấp dẫn cho những ai không có bằng tốt nghiệp THPT và đang tìm kiếm một nghề nghiệp phù hợp.
Mức lương của đầu bếp có sự khác biệt tùy thuộc vào trình độ chuyên môn và vị trí làm việc. Đối với những đầu bếp làm việc tại các nhà hàng nhỏ, mức lương có thể dao động từ 10 đến 15 triệu đồng mỗi tháng. Ngược lại, tại các nhà hàng lớn hơn, con số này có thể tăng từ 15 đến 30 triệu đồng, cho thấy sự tiềm năng trong việc phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực. Với sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng, nghề đầu bếp hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội thăng tiến hấp dẫn cho những người đam mê nghệ thuật nấu nướng.
Nghề nhân viên pha chế
Ngành kinh doanh nhà hàng và đồ uống đang trong thời kì phát triển mạnh mẽ. Các nhà hàng, khách sạn, quán bar liên tục mở rộng, nâng cao chất lượng và nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực khắt khe hơn. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho bạn trẻ có đam mê với nghề pha chế, thích sáng tạo pha chế đồ uống có thêm động lực để thực hiện mục tiêu trở thành nhân viên pha chế chuyên nghiệp.
Nghề nhân viên pha chế mang lại thu nhập ổn định cho những ai chưa có bằng cấp 3. (Ảnh minh họa)
Nghề pha chế thức uống chuyên nghiệp đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho những ai mong muốn bước vào thị trường lao động mà không cần bằng tốt nghiệp THPT. Ngành nghề này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường mà còn tạo ra cơ hội việc làm ổn định và nguồn thu nhập khá lý tưởng. Làm việc trong lĩnh vực pha chế, bạn có thể tìm kiếm cơ hội tại các nhà hàng, khách sạn, hoặc thậm chí tự khởi nghiệp với quán cà phê hay trà sữa của riêng mình.
Mức lương khởi điểm trong ngành pha chế thường dao động từ 6 đến 8 triệu đồng mỗi tháng cho những người mới vào nghề. Tuy nhiên, đối với những nhân viên đã tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng, đặc biệt là làm việc tại các quán bar hay nhà hàng lớn, mức lương có thể nâng cao, đạt từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi tháng. Với sự sáng tạo và khả năng phục vụ tốt, nghề nhân viên pha chế không chỉ mang lại thu nhập mà còn mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Nghề thợ làm bánh
Nếu bạn thích nấu nướng và đặc biệt đam mê thưởng thức các loại bánh thì nghề làm bánh có thể là lựa chọn tiềm năng cho con đường sự nghiệp tương lai sắp tới. Những chương trình đào tạo nghề làm bánh ở Việt Nam hay nước ngoài đa phần đều có yêu cầu đầu vào tương đối dễ chịu nên khả năng bạn có thể trúng tuyển cũng cao hơn so với các ngành khác. Ngay cả bạn không tốt nghiệp cấp 3, bạn vẫn có thể phát triển sự nghiệp với nghề này.
Dù bạn không tốt nghiệp cấp 3, bạn vẫn có thể phát triển sự nghiệp với nghề làm bánh. (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh ngành ẩm thực ngày càng phát triển, nghề làm bánh đang trở thành một lĩnh vực dịch vụ được yêu thích và đánh giá cao. Nhiều nhà hàng và khách sạn hạng sang không ngừng mở rộng dịch vụ của mình nhằm thu hút khách du lịch, và nghề làm bánh chính là một trong những điểm nhấn quan trọng.
Theo thống kê hiện nay, mức lương cho thợ làm bánh tại các cơ sở sản xuất bánh ngọt hay những tiệm bánh lớn thường dao động từ 10 đến 15 triệu đồng mỗi tháng. Đối với các đầu bếp và bếp trưởng tại nhà hàng hay khách sạn, mức thu nhập có thể lên tới từ 15 đến 30 triệu đồng mỗi tháng.
Nếu bạn quyết định khởi nghiệp và mở cửa hàng hoặc cơ sở sản xuất bánh, thu nhập của bạn sẽ phụ thuộc vào khả năng kinh doanh và doanh số hàng tháng. Trong trường hợp làm ăn thuận lợi, thu nhập có thể đạt hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm triệu đồng. Nghề thợ làm bánh không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp đa dạng mà còn mang lại tiềm năng phát triển kinh tế đáng kể.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)