Một năm có 24 tiết khí, đánh dấu sự thay đổi thời tiết và sự luân chuyển của các mùa. Thanh minh là tiết khí thứ 5, bắt đầu sau ngày Lập xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày. Người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm tết Thanh minh. Theo nghĩa đen, “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa. Thanh minh nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng.
Tảo mộ dịp Tết Thanh minh. Ảnh minh họa
Năm 2025, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4/4 và kết thúc vào ngày 19/4 dương lịch. Tết Thanh minh (4/4) năm nay rơi vào thứ Sáu, tức là ngày 7/3 theo lịch âm.
Tết Thanh minh là dịp để con cháu thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với tổ tiên và những người đã khuất thông qua các hoạt động tảo mộ, phát quang cây cối, bồi đắp mộ phần và thắp hương.
Không chỉ dừng lại ở việc làm sạch phần mộ, tết Thanh minh còn là cơ hội giáo dục con cháu về truyền thống gia đình, vị trí phần mộ của gia tiên và cách thức viếng mộ.
Theo tục lệ thông thường, Tết Thanh minh chúng ta phải ra mộ trực tiếp và quan niệm cho rằng như vậy mới đúng. Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, nếu gia đình ở nơi bản quán, ở gần nghĩa trang của tổ tiên, gia tiên, người thân thì chúng ta thu xếp để về tận nghĩa trang thực hiện các nghi lễ Thanh Minh.
Nếu ở xa, có thể làm lễ Thanh Minh tại nhà, báo cáo tổ tiên khấn vọng, nhất tâm chứ không cần thiết phải lặn lội về tận quê hương, bản quán nơi có mộ. Nhất là với những người cơ thể đang yếu, huyết áp thấp, bàn chân và tay chân lạnh, bụng lạnh, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt thì càng phải tránh không ra mộ trực tiếp. Khi đó chỉ nên làm lễ Thanh Minh khấn vọng tại gia.
Không thể tảo mộ và cúng Thanh Minh đúng ngày Tết Thanh Minh, mọi người vẫn có thể lựa chọn ngày đẹp khác. Ảnh minh họa
Chuyên gia cũng cho biết thêm, nếu vì điều kiện mà không cho phép chúng ta tảo mộ đúng ngày Tết Thanh Minh thì vẫn có thể chọn những ngày đẹp trong tiết Thanh Minh để làm lễ cúng Thanh Minh như sau:
+ Ngày 9/3 âm ngày Ất Tị kị với tuổi Tị, Hợi có các khung giờ đẹp là giờ Thìn từ 7h - 9h và giờ Mùi từ 13h - 15h.
+ Ngày 11/3 âm ngày Đinh Mùi kị với tuổi Mùi, Sửu có các khung giờ đẹp là giờ Mão từ 6h - 7h, giờ Tị từ 9h - 11h, giờ Thân từ 15h - 17h.
+ Ngày 12/3 âm ngày Mậu Thân kị với tuổi Thân, Dần có các khung giờ đẹp là giờ Thìn từ 7h - 9h, giờ Tị từ 9h - 11h, giờ Mùi từ 13h - 15h.
+ Ngày 15/3 âm ngày Tân Hợi kị với tuổi Tị, Hợi có các khung giờ đẹp là giờ Thìn từ 7h - 9h và giờ Mùi từ 13h - 15h.
+ Ngày 18/3 âm ngày Giáp Dần kị với tuổi Dần, Thân có các khung giờ đẹp là giờ Thìn từ 7h - 9h, giờ Tị từ 9h - 11h, giờ Mùi từ 13h - 15h.
+ Ngày 19/3 âm ngày Ất Mão kị với tuổi Mão, Dậu có các khung giờ đẹp là giờ Mão từ 5h - 7h và giờ Mùi từ 13h - 15h.
+ Ngày 21/3 âm ngày Đinh Tị kị với tuổi Tị, Hợi có các khung giờ đẹp là giờ Thìn từ 7h - 9h và giờ Mùi từ 13h - 15h.
+ Ngày 22/3 âm ngày Mậu Ngọ kị với tuổi Tý, Ngọ có các khung giờ đẹp là giờ Mão từ 5h - 7h và giờ Thân từ 15h - 17h.
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)