Theo Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam mới nhât của Tổng cục Thống kê cho thấy, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Con số này gấp 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân cao nhất Việt Nam.
Hà Nội là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 2 cả nước với 6,86 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn địa phương dẫn đầu 1,43 triệu đồng. Nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất tại Hà Nội đạt bình quân 14,47 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm hộ thu nhập thấp nhất có thu nhập bình quân đạt 2,19 triệu đồng. Chênh lệch thu nhập giữa hai nhóm này là 6,6 lần.
Điện Biên là tỉnh thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước với 2,18 triệu đồng/người/tháng. Các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu cũng ở mức rất thấp. Cụ thể, Hà Giang 2,25 triệu đồng/người/tháng; Cao Bằng 2,43 triệu đồng và Lai Châu 2,32 triệu đồng/người/tháng.
Hà Nội là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 2 cả nước.
Tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được tái lập từ ngày 1/1/1997. Đây là tỉnh ở Đông Nam Bộ có nhiều thành phố nhất cả nước, bao gồm: TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An, TP. Dĩ An, TP. Tân Uyên và TP. Bến Cát cùng 4 huyện: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên.
Từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đến nay, Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh. Trong đó, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 mục tiêu đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD. Tỷ lệ đô thị hóa mục tiêu đạt 88-90%.
Mặc dù số lượng, mật độ và tỷ lệ đô thị hóa rất cao so với bình quân cả nước, tuy nhiên, tỉnh Bình Dương có mật độ 3 thành phố là TP. Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An và TP. Thuận An là vùng đô thị hóa tập trung tương đối lớn (mật độ 2 đô thị này cao nhất so với mức bình quân toàn tỉnh 3,0 - 8,3 lần), là các khu vực đô thị đóng vai trò quan trọng của tỉnh, Vùng Đông Nam Bộ và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đô thị của quốc gia.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương duy trì phát triển tích cực.
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương duy trì phát triển tích cực và đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ duy trì ổn định, đạt trên 90% tổng quy mô nền kinh tế.
UBND tỉnh Bình Dương xác định 36 chỉ tiêu chủ yếu năm 2025. Trong đó, phấn đấu GRDP tăng 8 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người 195 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng (63,81% - 26,34% - 2,66% - 7,19%); Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9 – 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 9 – 10%; tổng thu sách Nhà nước trên địa bàn 74.320 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1,8 tỷ đô la Mỹ…
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)