Theo thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, quý I/2025 chứng kiến sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu rau quả, một phần do những thay đổi trong chính sách nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc. Tuy nhiên, bưởi lại đi ngược dòng, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 17,5 triệu USD, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này giúp bưởi lọt vào top 10 mặt hàng quả và quả hạch có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu, với thị phần tăng từ 0,85% lên 1,5% chỉ trong ba tháng đầu năm.
Hiện tại, bưởi tươi Việt Nam đã có mặt tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bước ngoặt lớn đến vào cuối năm 2022, khi bưởi tươi chính thức được phép nhập khẩu vào Mỹ sau nhiều năm đàm phán. Tương tự, việc xuất khẩu chính ngạch sang New Zealand từ tháng 12/2022 cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch. Mới đây nhất, vào tháng 4/2024, bưởi tiếp tục được "cấp visa" để thâm nhập thị trường Hàn Quốc.
Quả bưởi đang nổi lên như một điểm sáng, đặc biệt tại thị trường Mỹ
Sự kiện lô bưởi đầu tiên đến Mỹ bằng đường biển vào đầu năm 2023 đã tạo nên tiếng vang lớn. Mặc dù giá bán cao hơn bưởi Trung Quốc từ 3 đến 4 lần, người tiêu dùng Mỹ vẫn đánh giá cao bưởi Việt Nam nhờ hương vị ngọt thanh, dễ tách múi, không bị đắng và ráo nước, phù hợp với khẩu vị của họ.
Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu năm 2023, hai Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, bà Jennifer Moffitt và bà Alexis Taylor, đã đích thân thưởng thức bưởi Diễn và dành những lời khen có cánh. Thứ trưởng Taylor, người phụ trách các vấn đề thương mại nông sản, thậm chí đã chấm điểm 10/10 cho hương vị của bưởi và bày tỏ mong muốn được mua loại quả này tại các cửa hàng ở Mỹ.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định rằng, dù Mỹ vừa công bố áp mức thuế đối ứng cao đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu, rau quả Việt Nam nhiều khả năng không bị ảnh hưởng do Mỹ vẫn nhập siêu mặt hàng này. Năm 2024, Việt Nam xuất sang Mỹ 360 triệu USD rau quả, trong khi nhập khẩu từ nước này tới 540 triệu USD.
Hiện nay, cả nước có khoảng 105.400 ha trồng bưởi với sản lượng gần 905.000 tấn. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực trồng nhiều bưởi nhất, chiếm khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 369.000 tấn, đặc biệt là bưởi da xanh. Các tỉnh có diện tích trồng bưởi lớn bao gồm Bến Tre, Vĩnh Long và Đồng Nai, với các giống bưởi nổi tiếng như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi và bưởi Tân Triều.
Với hương vị đặc trưng, chất lượng cao và sự đón nhận từ thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, bưởi Việt Nam đang có cơ hội lớn để khẳng định vị thế và đóng góp vào sự phát triển của ngành rau quả nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)