Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc) là hệ thống cung điện của 24 vị hoàng đế dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Tử Cấm Thành dài 960m từ bắc xuống nam, rộng 760m từ đông sang tây, tổng diện tích 720.000m vuông, gồm 9.687 gian phòng. Đây là hệ thống công trình cổ hoàn chỉnh và được bảo quản toàn vẹn nhất tại Trung Quốc. Hiện Tử Cấm Thành đã mở cửa để cho du khách tham quan. Tuy nhiên, nhiều khách du lịch khi đến Tử Cấm Thành cho biết tại đây có 3 nơi còn đáng sợ hơn lãnh cung, mang đến cho họ cảm giác rùng rợn.
Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
1. Khôn Ninh cung
Trong Tử Cấm Thành, hậu cung năm xưa có ba đại điện: Càn Thang cung, điện Giao Thái và Khôn Ninh Cung. Càn Thanh cung vốn là tẩm cung của Hoàng đế. Điện Giao Thái được xây dựng dưới thời vua Gia Tĩnh nhằm phục vụ mục đích theo dõi âm và thiên tượng. Nằm ở điểm cuối cùng trong tam đại điện chính là Khôn Ninh Cung – nơi từng là tẩm cung của Hoàng hậu.
Cung Khôn Ninh là một trong những nội cung lớn nhất, được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) triều Minh. Trong "Hoàn Châu Cách Cách", chúng ta biết Khôn Ninh cung là nơi ở của hoàng hậu, nhưng trong thực tế thì không phải. Vào thời nhà Minh, các hoàng hậu sống tại Khôn Ninh cung, nhưng đến thời Khang Hy, nhà Thanh, hoàng hậu đã không còn sống ở đây nữa. Khôn Ninh cung dần dần trở thành nơi tế lễ trời đất của các pháp sư. Những hoàng đế sau này chỉ ở Khôn Ninh Cung trong 3 ngày đại hôn. Sau đó, đế hậu sẽ trở về cung điện của mình sống.
Không biết có phải là trùng hợp ngẫu nhiên hay không, nhưng hầu hết các hoàng hậu từng sống ở Khôn Ninh cung đều không có cái kết đẹp. Nổi tiếng nhất là vào cuối thời nhà Minh, Chu hoàng hậu của Sùng Trinh đế đã treo cổ tự vẫn ở Khôn Ninh cung. Hoàng hậu Hách Xá Lý của Khang Hy đế qua đời vì chứng khó đẻ khi mới 22 tuổi cũng tại Khôn Ninh cung. Hoàng hậu Hiếu Chiêu Nhân, kế hậu thứ hai của Khang Hy đế cũng qua đời sau khi sống tại Khôn Ninh cung trong chưa đầy 1 năm đăng quang. Bởi vì người xưa rất mê tín nên không có ai sống ở cung Khôn Ninh vào thời Ung Chính.
Có rất nhiều truyền thuyết dân gian về Khôn Ninh cung, thậm chí, nơi này còn được gọi là "cung điện bất an". Người ta đồn rằng nửa đêm sẽ có tiếng ma quỷ kêu, tiếng sói tru phát ra từ Khôn Ninh cung khiến người ta rùng mình.
Trên thực tế, kể từ khi cung Khôn Ninh thành nơi tế lễ của pháp sư, mỗi ngày người ta phải thịt 4 con lợn. Vì vậy, tiếng than khóc phát ra từ Khôn Ninh cung thực chất là tiếng lợn kêu khi bị làm thịt.
Ngoài ra, việc chỉ dùng làm nơi hương khói suốt thời gian dài mà không có người sống đã khiến cung Khôn Ninh cung trở nên âm u, tịch mịch đến đáng sợ. Không gian âm u cùng nhiều truyền thuyết đen tối sẽ khiến các du khách tham quan Tử Cấm Thành cảm thấy vô cùng sợ hãi khi bước chân vào cung điện này.
2. Diên Hi Cung
Nhiều người bắt đầu quan tâm đến Diên Hi cung sau khi xem bộ phim "Diên Hi công lược" và "Chân Hoàn truyện". Tuy nhiên, khi tới đây, mọi người phát hiện ra cung điện này hoàn toàn khác với phim ảnh, thậm chí gây sốc.
Cung Diên Hi được xây dựng vào năm năm Vĩnh Lạc thứ 18 đời nhà Minh (1420), ban đầu có tên là Trường Thọ cung, sau đó đổi thành Diên Kì cung. Về sau, nơi này được cải tạo và đổi thành Diên Hi cung, với ý nghĩa tốt lành.
Nếu lãnh cung là nơi giam giữ những phi tử mắc trọng tội thì Diên Hi cung lại là nơi dành cho những phi tần không mấy được sủng ái, ngày ngày cửa đóng then cài. Từ một số ghi chép lịch sử, Diên Hi cung còn là địa phương thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Vào giai đoạn Thanh triều ngự trị, dưới thời Khang Hi, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, cung điện đều trải qua vài lần bị cháy.
Diên Hi cung đã trải qua tổng cộng 4 trận hỏa hoạn, đó là năm Gia Khánh thứ 7 (1802), Đạo Quang thứ 12 (1832), Đạo Quang thứ 25 (1845) và Hàm Phong thứ 5 (1855). Trận hỏa hoạn năm thứ 25 là nghiêm trọng nhất, ngọn lửa thiêu rụi cung Diên Hi thành đống đổ nát, chỉ còn lại cổng cung điện. Chính vì mấy chục năm ngắn ngủ mà xảy ra quá nhiều vụ hỏa hoạn không thể giải thích nên nơi này đã thành đống đổ nát, hoang tàn.
Năm 1909, Thái hậu Long Dụ lúc bấy giờ đang nắm quyền đã quyết định xây dựng lại cung Diên Hi thành thủy cung. Đích thân bà đã khắc chữ "Linh Chiếu hiên" lên một tấm bảng tại đây, dân gian gọi nơi này là "Thủy Tinh cung". Nhưng Thủy Tinh cung chỉ mới xây được nửa chặng thì phải dừng lại do ngoại bang xâm lược, kho bạc trống rỗng. Hơn nữa, hỏa lực của liên quân 8 nước đã đánh trúng nơi này khiến nó sụp đổ, chỉ còn lại một khung thép trống rỗng, trở thành tòa nhà chưa hoàn thiện lâu đời nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Thế nhưng ngoài đời thực, cung điện này được cho là địa phương phức tạp, không cát tường. Hầu hết chủ nhân của Diên Hi cung đều không đắc sủng và có kết cục chẳng mấy tốt đẹp.
3. Giếng Trân Phi
Trân Phi là sủng phi của hoàng đế Quang Tự, người bị dìm xuống giếng do cơn thịnh nộ của Từ Hi Thái hậu. Phải 8 tháng sau đó, Từ Hi mới sai người vớt nàng lên. Tuy nhiên, do thi thể đã bị ngâm trong giếng quá lâu, lên việc trục vớt rất khó khăn. Sau khi hoàn thành, người ta đã dỡ bỏ giếng, dùng thanh sắt chắn lại.
Giếng Trân Phi chính là nơi năm xưa Từ Hi Thái hậu bức tử sủng phi của vua Hàm Phong.
Từ Hi ra lệnh không cho Trân Phi được an táng trong hoàng lăng. Cuối cùng, nàng phải an nghỉ cùng các cung nữ, thái giám. Đây là một sự xấu hổ và tủi nhục cực lớn đối với một phi tần. Mãi sau này, khi Từ Hi và Long Dụ qua đời, người phụ nữ quyền lực nhất hậu cung lúc bấy giờ là Cẩn Phi, chị gái Trân Phi mới ra lệnh cải táng cho em gái bên cạnh lăng mộ Quang Tự.
Những người nhìn thấy giếng Trân Phi sẽ tự hỏi tại sao một cái miệng giếng nhỏ như vậy có thể có người rơi xuống? Thực tế, cái mà mọi người thấy ngày nay là một viên đá giữ giếng, nó được lắp đặt sau khi thi thể Trân Phi được kéo lên. Để tránh chó mèo rơi xuống, người ta còn lắp thêm một thanh sắt ở bên trong giếng và khóa lại.
Ngày nay, chiếc giếng này đã trở thành địa điểm tham quan có tiếng. Thế nhưng có một số giai thoại nói rằng, du khách nào đi qua nơi đây đều cảm thấy có một luồng khí lạnh tỏa ra từ miệng giếng. Thậm chí còn có một câu chuyện rùng rợn xoay quanh địa điểm giếng Trân phi. Theo đó, ai đi qua giếng này vào ban đêm sẽ nghe thấy tiếng phụ nữ kêu khóc.
Mặc dù những lời đồn đáng sợ về giếng Trân phi chưa được ai kiểm chứng. Nhưng những giai thoại nhuốm màu sắc tâm linh huyền bí ấy càng khiến địa điểm này được nhiều người biết tới.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)