Giá trị sử dụng của thẻ căn cước
Điều 20 Luật Căn cước 2023 quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước như sau:
1. Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
Thẻ Căn cước là một trong các giấy tờ tùy thân của người dân, có chứa các thông tin về Căn cước, thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ của công dân Việt Nam, được cấp bởi cơ quan quản lý căn cước. Ảnh minh họa
3. Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.
4. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ căn cước theo quy định của pháp luật.
Không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, sẽ không làm được thẻ căn cước?
Điều 19 Luật Căn cước 2023 nêu rõ, mọi công dân Việt Nam đều được cấp thẻ căn cước. Ngoài ra, theo Điều 4 Thông tư số 17/2024/TT-BCA ngày 15/5/2024 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước quy định về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú như sau:
1. Thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi thường trú của người được cấp thẻ căn cước.
2. Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú nhưng có nơi tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi tạm trú của người được cấp thẻ.
3. Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người được cấp thẻ.
4. Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có thông tin về nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú. Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
Như vậy, căn cứ những quy định trên thì người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thì vẫn được đăng ký cấp thẻ căn cước.
Người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thì vẫn được đăng ký cấp thẻ căn cước. Ảnh minh họa
Ngoài ra, Điều 5 Thông tư 17/2024/TT-BCA cũng có hướng dẫn với trường hợp không thu nhận được hoặc thu nhận không đầy đủ thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo.
Cụ thể, nếu nơi sinh, quê quán, nơi đăng ký khai sinh trên thẻ Căn cước chưa có hoặc chưa đầy đủ thông tin về cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh: Công dân phải cung cấp giấy tờ, tài liệu đã có đầy đủ thông tin đó để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Giấy tờ người dân cung cấp vẫn chưa đầy đủ thông tin về địa danh hành chính: Công dân cung cấp thông tin và phải làm văn bản cam kết, chịu trách nhiệm với các thông tin về nơi sinh, quê quán, nơi đăng ký khai sinh đã cung cấp.
Với thông tin dân tộc, tôn giáo chưa có trên thẻ Căn cước hoặc công dân đề nghị cập nhật, điều chỉnh: Sẽ được cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh. Trong đó, dân tộc, tôn giáo được cập nhật phải thuộc danh mục dân tộc, tôn giáo đã được ban hành hoặc công nhận.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)