Dù đi cung đường khác hay giống, đường về luôn tạo cảm giác ngắn hơn
Lúc đầu, các nhà khoa học tin rằng "hiệu ứng đường về" có liên quan đến tính chất quen thuộc. Vì chúng ta đã đi qua con đường đó, nhận biết được những cảnh vật. Vì thế, khi quay trở về, chúng không còn ảnh hưởng cảm nhận về thời gian rõ rệt như lúc đi.
Nhưng lý thuyết này đã được chứng minh là không phải, bởi nó xảy ra ngay cả khi đi máy bay (không thể quan sát cảnh vật), hoặc khi đi một cung đường khác biệt.
Mọi thứ liên quan đến cách cơ thể chúng ta tính toán và trải nghiệm thời gian
Hiện tượng này không liên quan đến việc tính toán thời gian đã trôi qua mà liên quan đến sự đánh giá, nhìn nhận của chúng ta đối với thời gian dựa trên trí nhớ. Trong chuyến đi, bạn sẽ không cảm thấy có gì khác biệt về cách thời gian trôi đi. Nhưng lúc về, cảm giác này thay đổi, khiến bạn cảm thấy quãng đường ngắn hơn bình thường.
Bên cạnh đó, khi rời nhà, chúng ta thường có kế hoạch về thời điểm mình sẽ tới điểm đến. Vì thế, chúng ta có xu hướng xem đồng hồ nhiều hơn và tạo cảm giác thời gian trôi đi chậm hơn.
Chúng ta hào hứng về chuyến đi
Khi bắt đầu một chuyến đi, trong nhiều trường hợp, bạn thường hào hứng đến mức có cảm giác thời gian tới điểm đến là rất lâu. Vì vậy, khi trở về nhà, cảm giác hào hứng đó tan biến khiến chúng ta cảm thấy quãng đường về nhanh hơn.
Bạn có thể cảm thấy điều tương tự khi xem video
Trong thử nghiệm mới nhất của mình, các nhà khoa học đã tìm hiểu để xác định liệu con người có cảm thấy một điều tương tự khi xem một video. Họ mở hai video quay lại cảnh một người đi xem đạp. Cả hai đều có thời lượng 7 phút và người tham gia được yêu cầu xem cả hai video để đánh giá “hiệu ứng đường về”. Kết quả là những người tham gia cảm thấy đường về của người đi xe đạp diễn ra nhanh hơn.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)