Vài năm trở lại đây, tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên. Nhiều người "sập bẫy" lừa đảo, khi kẻ xấu giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Làm gì khi nhận được cuộc gọi lừa đảo?
Khi nhận được các cuộc điện thoại lừa đảo nhiều người băn khoăn về việc có nên câu giờ hay không?
Câu trả lời là không nên.
Kẻ gian sẽ không thể lấy cắp thông tin của người dân nếu họ chỉ nhấc máy, nói chuyện "câu giờ". Tuy nhiên trong quá trình nói chuyện, người dân có thể sẽ bị dẫn dụ, đe doạ, bôi nhọ..., từ đó gây ra các hệ luỵ khôn lường.
Phải làm gì khi nhận được cuộc gọi lừa đảo?
Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp bằng chứng tới cơ quan công an gần nhất để đề nghị xử lý vi phạm theo pháp luật.
(Ảnh minh họa)
Khi phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo như trên, cần bình tĩnh, tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của đối tượng. Nếu đối tượng có hành vi đe dọa cần thông báo ngay đến cơ quan Công an để phối hợp xử lý.
Một thao tác nữa nên làm khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa gọi đến, trích dẫn một số nội dung liên quan, theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng.
Ngoài việc gọi tới đầu số 156, người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156: Nếu cuộc gọi rác, cú pháp nhắn tin là V (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656; nếu cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin theo cú pháp LD (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.
(Ảnh minh họa)
Trên cơ sở đó, nhà mạng sẽ có biện pháp sàng lọc, xác minh, phản hồi khách hàng; đồng thời tổng hợp, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT&TT để có biện pháp xử lý.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)