Nghiêm cấm bỏ trốn, phải ở lại hiện trường và cứu giúp người bị nạn
Theo Luật sư Nguyễn Văn Nam, Khoản 26 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (Luật TTATGTĐB 2024) đã nghiêm cấm hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông đường bộ để trốn tránh trách nhiệm, cũng như việc có điều kiện mà không cứu giúp người bị tai nạn giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 80 Luật TTATGTĐB 2024 quy định rõ trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn, hoặc người liên quan đến vụ tai nạn. Cụ thể, họ phải:
- Dừng ngay phương tiện, thực hiện cảnh báo nguy hiểm và giữ nguyên hiện trường.
- Hỗ trợ người bị nạn và nhanh chóng báo tin cho cơ quan công an, cơ sở y tế hoặc UBND nơi gần nhất.
- Ở lại hiện trường cho đến khi công an đến, trừ một số trường hợp đặc biệt.
- Cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân và các dữ liệu liên quan đến vụ tai nạn cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Các trường hợp được phép rời hiện trường và nghĩa vụ kèm theo
Trong trường hợp nào người gây tai nạn được phép rời đi khỏi hiện trường? (Ảnh minh hoạ)
Luật sư Nam cho biết, người gây tai nạn giao thông chỉ được phép rời khỏi hiện trường trong một số trường hợp bất khả kháng, bao gồm:
- Phải đưa người bị nạn đi cấp cứu.
- Bản thân bị thương cần được cấp cứu.
- Bị đe dọa đến tính mạng.
Trong những tình huống này, người liên quan phải đến trình báo ngay với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương gần nhất. Việc rời khỏi hiện trường để thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ nhân đạo này không đồng nghĩa với hành vi "bỏ trốn". Nếu người gây tai nạn rời hiện trường nhưng sau đó đã đến trình diện và phối hợp với cơ quan chức năng, họ sẽ không bị coi là cố ý bỏ trốn và không bị xử lý với tình tiết tăng nặng.
Chế tài xử lý hành vi tự ý rời khỏi hiện trường trái phép
Trường hợp người gây tai nạn tự ý rời khỏi hiện trường mà không thuộc các lý do chính đáng nêu trên sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và phải đối mặt với các biện pháp xử phạt hành chính.
Cụ thể, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi gây tai nạn giao thông nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không hỗ trợ người bị nạn hoặc không trình báo cơ quan chức năng như sau:
- Đối với người điều khiển ô tô: Phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng.
- Đối với người điều khiển xe máy: Phạt tiền từ 8 đến 10 triệu đồng.
(Ảnh minh hoạ)
Nghiêm trọng hơn, nếu kết quả điều tra cho thấy người điều khiển phương tiện có lỗi gây tai nạn và dẫn đến một trong các hậu quả sau, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
- Gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên.
- Làm một người bị thương với tỷ lệ tổn hại sức khỏe từ 61% trở lên.
- Tổng tỷ lệ tổn hại sức khỏe của hai người trở lên từ 61% trở lên.
Đặc biệt, Luật sư Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh, nếu người gây tai nạn cố tình bỏ đi nhằm trốn tránh trách nhiệm, hoặc không cứu giúp người bị nạn, hành vi này sẽ bị xem xét là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt áp dụng trong trường hợp này là từ 3 đến 10 năm tù.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)