Một độc giả đã chia sẻ câu chuyện của mình, trong đó người cô ruột không có con, trước khi qua đời đã "di chúc miệng" để lại căn nhà cho người cháu đã tận tình chăm sóc cô trong suốt thời gian dài. Vậy, người cháu này cần làm gì để có thể thừa kế hợp pháp căn nhà?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối, nhận định đây là một trường hợp phức tạp, đặc biệt trong việc xác định hàng thừa kế và công sức nuôi dưỡng, chăm sóc. Việc người cháu thường xuyên túc trực, chăm nom cô những lúc ốm đau là một sự hy sinh đáng trân trọng. Nếu như trước khi mất, người cô hoàn thành thủ tục sang tên sổ đỏ cho người cháu thì mọi việc sẽ trở nên rõ ràng, hợp tình, hợp lý và công sức của người cháu sẽ được đền đáp xứng đáng.
Di chúc 'miệng' được coi hợp pháp trong trường hợp nào? (Ảnh minh hoạ)
Theo Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định về khái niệm di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc được hiểu đơn giản là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc thể hiện quyền định đoạt tài sản thừa kế của người để lại di sản thừa kế thuộc quyền sở hữu của mình cho những người khác người thừ kế theo di chúc được chỉ định theo ý chí của người để lại di sản trong di chúc.
Theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Đặc biệt, theo Khoản 5 Điều này, di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
(Ảnh minh hoạ)
Trong trường hợp này, có thể người cháu đã chủ quan khi cho rằng lời nói của người cô là đủ để đảm bảo quyền thừa kế. Tuy nhiên, khi người cô qua đời, những người thân khác có thể đứng ra tranh chấp, phủ nhận công sức chăm sóc và ý nguyện của người đã khuất. Họ có thể chỉ quan tâm đến quyền thừa kế theo pháp luật mà bỏ qua tình cảm gia đình và sự công bằng.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, người cháu cần thu thập bằng chứng chứng minh việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cô, cũng như bằng chứng về việc đã tiếp nhận, sử dụng và quản lý căn nhà đó. Các bằng chứng này có thể bao gồm hóa đơn thuốc men, chi phí sinh hoạt, giấy tờ liên quan đến việc sửa chữa, bảo dưỡng căn nhà, lời khai của những người chứng kiến sự chăm sóc của người cháu đối với người cô, và bất kỳ tài liệu nào khác có thể chứng minh sự gắn bó và đóng góp của người cháu đối với cuộc sống của người cô.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)