Tình huống khẩn cấp dừng, đỗ sai quy định có bị xử phạt?
Theo điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải đỗ xe, khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp hoặc đặt biển cảnh báo về phía sau xe để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết.
Ngoài ra, nếu thuộc trường hợp không xử phạt hành chính theo quy định tại điều 11, luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), thì người điều khiển sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện cần cung cấp thông tin, tài liệu xác minh rõ ràng để lực lượng chức năng làm căn cứ không xử lý vi phạm.
Khi dừng, đỗ tại khu vực cấm vì tình huống khẩn cấp như chở người đi cấp cứu... tài xế có thể không bị xử phạt nếu thuộc trường hợp bất khả kháng. (Ảnh minh họa)
Mức phạt từ 400.000 - 800.000 đồng
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự vi phạm quy định cấm dừng, đỗ xe thì mức xử phạt vi phạm hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (khoản 2 điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Đối với người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự thì mức xử phạt vi phạm hành chính là từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (khoản 2 điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm trong cả 2 trường hợp nêu trên sẽ không bị trừ điểm giấy phép lái xe (khoản 13 điều 7 và khoản 16 điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về "phạt nguội" là gì nhưng có thể hiểu là người tham gia giao thông có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không bị xử phạt ngay lúc đó. Các hành vi vi phạm sẽ được các camera của cơ quan chức năng gắn trên các tuyến đường ghi lại và sẽ tiến hành xử phạt sau đó.
Do đó, khi có vi phạm quy định về dừng xe và đỗ xe trong khu vực có biển cấm dừng đỗ thì người tham gia giao thông vẫn bị xử phạt, có thể là phạt ngay lúc đó hoặc là phạt nguội sau đó.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)