Nghị định 123/2024/NĐ-CP không chỉ tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm mà còn bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhằm tăng cường tính răn đe và đảm bảo trật tự quản lý đất đai. Việc nắm vững những quy định này là vô cùng quan trọng để người dân tránh gặp phải những rắc rối pháp lý không đáng có. Dưới đây là một số hành vi phổ biến liên quan đến "Sổ đỏ" mà người dân cần đặc biệt lưu ý:
1. Chậm sang tên "Sổ đỏ" sau khi công chứng
Nhiều người dân sau khi hoàn tất thủ tục công chứng mua bán nhà đất lại trì hoãn việc sang tên "Sổ đỏ", dẫn đến vi phạm pháp luật. Theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi chậm đăng ký biến động sau khi đã thực hiện công chứng nhà đất có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Quan trọng hơn, người vi phạm còn bị buộc thực hiện việc đăng ký biến động đối với thửa đất theo quy định.
2. Không đăng ký đất đai lần đầu
Theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP, tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm liên quan đến sổ đỏ (Ảnh minh hoạ)
Việc không đăng ký đất đai lần đầu, đặc biệt trong các trường hợp thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng, thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký, hoặc thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký, sẽ bị xử phạt hành chính. Khoản 1 và Khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định mức phạt cho hành vi này là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đồng thời, người sử dụng đất cũng bị buộc phải thực hiện việc đăng ký đất lần đầu theo đúng quy định.
3. Chuyển nhượng đất không có "Sổ đỏ"
Đây là một trong những hành vi vi phạm phổ biến và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất. Điểm C Khoản 3 và Khoản 4 Điều 17 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định rõ mức phạt đối với hành vi cố tình chuyển nhượng đất không có "Sổ đỏ". Cụ thể, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu các biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm trọng, bao gồm:
- Buộc trả lại đất cho bên chuyển nhượng, bên cho thuê hoặc cho thuê lại, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Chấm dứt hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất nếu có phát sinh.
- Nộp lại toàn bộ khoản lợi bất hợp pháp thu được từ giao dịch vi phạm.
- Tiến hành đăng ký đất đai nếu thửa đất đủ điều kiện để được cấp "Sổ đỏ".
Trong trường hợp bên chuyển nhượng là tổ chức đã giải thể, phá sản hoặc là cá nhân đã qua đời không có người thừa kế hợp pháp hay đã di chuyển khỏi địa phương, và không thuộc diện bị Nhà nước thu hồi đất, bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm:
(Ảnh minh hoạ)
Tiến hành đăng ký đất đai.
Thực hiện toàn bộ nghĩa vụ khắc phục hậu quả do bên chuyển quyền gây ra.
Tóm lại, việc cố tình chuyển nhượng đất khi chưa có "Sổ đỏ" bên vi phạm có thể bị xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng (đối với cá nhân), và phải chịu các hậu quả pháp lý như:
- Giao dịch mua bán vô hiệu;
- Người mua phải trả lại đất;
- Lợi nhuận thu được từ giao dịch trái luật phải nộp lại Nhà nước;
- Trường hợp đủ điều kiện thì phải làm thủ tục đăng ký đất đai.
Lưu ý: Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ cao gấp đôi, tức từ 60 đến 100 triệu đồng, đồng thời vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khắc phục nêu trên.
4. Mua bán nhà đất bằng "Sổ đỏ" giả
Sử dụng "Sổ đỏ" giả để mua bán nhà đất là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội và quyền lợi của người dân. Khoản 3, 4 và 5 Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Ảnh minh hoạ)
Ngoài việc bị xử phạt hành chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ tịch thu giấy tờ giả đã sử dụng và hủy bỏ toàn bộ kết quả thủ tục đăng ký biến động sử dụng hồ sơ giả khi chuyển nhượng. Nghiêm trọng hơn, nếu hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Các mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Trong trường hợp hành vi vi phạm là do tổ chức thực hiện, mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt đối với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
5. Tự ý sửa thông tin trên "Sổ đỏ"
Hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa "Sổ đỏ" là hành vi bị nghiêm cấm. Khoản 1, 4 Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tịch thu "Sổ đỏ" đã sửa chữa, tẩy xóa.
Ngoài ra, Điểm b Khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định rõ, khi "Sổ đỏ" đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục cấp đổi "Sổ đỏ" mới.
Lưu ý quan trọng: Nghị định 123/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đồng nghĩa với việc các hành vi vi phạm liên quan đến đất đai, đặc biệt là "Sổ đỏ" sẽ bị xử lý nghiêm minh hơn. Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tìm hiểu kỹ các quy định mới để tránh những rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)