Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định mới về hoạt động dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, thay thế Thông tư 17/2012. Theo đó, giáo viên muốn dạy thêm trong thời gian nghỉ hè phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về đăng ký và công khai thông tin.
Cụ thể, giáo viên được phép dạy thêm ngoài nhà trường trong kỳ nghỉ hè, nhưng phải báo cáo với Hiệu trưởng (hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác) về môn học, địa điểm, hình thức và thời gian tham gia dạy thêm.
Trường hợp giáo viên tổ chức lớp dạy thêm có thu tiền học sinh, ngoài việc báo cáo, cần thực hiện thêm các yêu cầu sau:
Thứ nhất: Đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.
Thứ hai: Công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi tổ chức dạy thêm gồm các môn học, thời lượng từng môn theo từng khối lớp, địa điểm, hình thức, thời gian dạy học, danh sách người dạy và mức thu học phí. Việc công khai phải thực hiện trước khi tuyển sinh.
Ngoài ra, giáo viên muốn dạy thêm phải có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn phù hợp với môn học.
Giáo viên muốn dạy thêm trong kỳ nghỉ hè phải đăng ký. Ảnh minh hoạ
Thông tư 29 cũng quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm:
Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các lớp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống.
Giáo viên đang giảng dạy tại trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mình đang trực tiếp giảng dạy theo kế hoạch phân công của trường.
Giáo viên trường công lập không được quản lý, điều hành cơ sở dạy thêm, nhưng vẫn được phép tham gia giảng dạy nếu đáp ứng điều kiện.
Về chế độ nghỉ hè, theo khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, giáo viên được nghỉ hè 2 tháng và hưởng nguyên lương cùng các phụ cấp (nếu có). Đây là chế độ nghỉ hằng năm thay cho nghỉ phép. Ngoài ra, giáo viên còn được nghỉ Tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Bộ trưởng GD&ĐT.
N.Tường (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)