Tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, thuộc tỉnh Thanh Hóa, có một cây ổi gần 100 năm tuổi được cho là biết "cười" khi có người chạm vào. Hiện tượng kỳ lạ này thu hút hàng nghìn du khách đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm, nhưng kỳ bí hơn, khi chiết cành mang đi nơi khác, cây không còn giữ được năng lực đặc biệt.
Cây ổi "cười" có tuổi đời gần 100 năm.
Cây ổi "biết cười" gây tò mò cho du khách
Cây ổi đặc biệt này nằm bên phải khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ, cao khoảng 3m, tán rộng uốn lượn theo thế rồng chầu, tỏa ra hương thơm quyến rũ khi đến mùa chín quả. Điều làm nên sự kỳ lạ của cây chính là khả năng "cười". Khi du khách chạm nhẹ hoặc gãi vào phần chạc ba của nhánh cây, các tán lá rung lên như phản ứng lại, nhưng kỳ lạ thay, phần thân và cành lại không hề lay động.
Anh Lê Văn Bình, một du khách đến từ Thanh Hóa, chia sẻ: "Ban đầu tôi không tin vào câu chuyện này, nhưng khi thử chạm vào, tôi thực sự ngỡ ngàng. Lá cây rung lên một cách tự nhiên như thể đang phản hồi lại sự tiếp xúc của con người".
Cây ổi thu hút du khách thập phương với "năng lực" kì lạ: chỉ cần gãi nhẹ vào gốc hoặc thân cây là tất cả tán lá đều rung lên như đang cười
Không chỉ riêng anh Bình, nhiều du khách khác cũng khẳng định đã cảm nhận được điều tương tự, thậm chí một số người còn mô tả có cảm giác thư thái, nhẹ nhõm khi đặt tay lên thân cây.
Nguồn gốc huyền bí và câu chuyện về "mộc tinh" Lam Kinh
Theo đại diện Ban quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cây ổi này gần 100 năm tuổi, trước kia một người đàn ông tên Trần Hưng Dẫn, quê ở tỉnh Nam Định, vốn hiếm muộn con nên vào cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Sau đó, ông Dẫn liền sinh được quý tử nối dõi tông đường. Để tỏ lòng thành, năm 1933 ông kính cẩn dâng lên 4 tượng voi, 2 cây long não và 1 cây ổi trong khu lăng mộ. Ngoài ra, ông còn dốc tiền của để góp phần sửa sang, trùng tu lại khu mộ thêm khang trang, tôn nghiêm. Từ đó, cây ổi sinh trưởng mạnh mẽ và trở thành một hiện tượng kỳ bí trong khu lăng mộ.
Đại diện Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh cũng xác nhận, chuyện cây ổi cười trong Vĩnh Lăng là có thật, gọi là ổi cười bởi khi ta gãi vào các nách cây thì các tán lá sẽ rung rinh chuyển động, khi dừng gãi thì hiện tượng này sẽ không còn. Các cụ cao niên trong vùng cho rằng, người đầu tiên phát hiện ra hiện tượng cây ổi cười là một nhà nghiên cứu người Pháp đến khảo sát di tích Lam Kinh vào năm 1942.
Người dân địa phương cũng tin rằng, khu vực lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi hội tụ linh khí đất trời, có một trường năng lượng đặc biệt giúp cây có khả năng phản ứng với con người. Do đó, cây ổi này còn được gọi là "mộc tinh" - một linh mộc mang theo sự huyền bí của vùng đất thiêng.
Cây mất đi năng lực khi rời khỏi đất thiêng?
Nhiều nhà nghiên cứu, người dân và cả du khách từng thử nhân giống cây ổi này bằng cách chiết cành mang đi trồng ở nơi khác. Tuy nhiên, kết quả bất ngờ là những cây "con cháu" dù sinh trưởng tốt nhưng lại không còn hiện tượng "cười".
Ban quản lý di tích Lam Kinh đã từng thử chiết cành và trồng một cây ổi con trong khu vực khác của di tích, và chỉ cây này mới giữ được đặc tính kỳ lạ, trong khi tất cả cây trồng bên ngoài khu vực Lam Kinh đều mất đi hiện tượng đặc biệt này.
Điều này càng khiến người dân tin rằng chỉ có vùng đất linh thiêng của Lam Kinh mới ban cho cây ổi khả năng khác thường. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể cây hấp thụ một luồng năng lượng đặc biệt từ lòng đất khu di tích.
Năm 2003, PGS.TS Hà Đình Đức và nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng đã khảo sát cây ổi tại Lam Kinh và phát hiện thân cây có khả năng phát ra dòng điện nhẹ, phản ứng với sự tiếp xúc của con người. Đến năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa cây vào danh sách nghiên cứu gene, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về hiện tượng này.
Dù chưa có lời giải thích thuyết phục từ giới khoa học, nhưng cây ổi biết "cười" tại Lam Kinh vẫn là một trong những điểm đến độc đáo, thu hút khách tham quan và trở thành một huyền thoại kỳ bí của vùng đất xứ Thanh.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)