Tại sao Học viện Báo chí và Tuyên truyền bỏ xét tuyển khối C?
Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới công bố thông tin tuyển sinh năm 2025. Theo đó, nhà trường bỏ hoàn toàn xét tuyển tổ hợp Văn - Lịch sử - Địa lý (khối C truyền thống - PV).
Đồng thời trường không còn xét tuyển môn Địa lý ở tất cả các ngành đào tạo.
Thông báo tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh minh họa).
Các ngành tuyển sinh của Học viện chia làm 4 nhóm như sau:
Nhóm 1 là ngành Báo chí - Xuất bản, xét tuyển 4 tổ hợp: Văn - tiếng Anh - Toán; Văn - tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật; Văn - tiếng Anh - Tin học; Văn - tiếng Anh - Lịch sử. Trong đó, môn Văn được tính hệ số 2.
Nhóm 2 là ngành Triết học - Chính trị học, xét tuyển 4 tổ hợp: Văn - Toán - tiếng Anh; Văn - Toán - Tin; Văn - Toán - Lịch sử; Văn - Toán - Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Nhóm 3 là ngành Lịch sử, xét tuyển 4 tổ hợp: Văn - Lịch sử - tiếng Anh; Văn - Lịch sử - Toán; Văn - Lịch sử - Tin học; Văn - Lịch sử - Giáo dục kinh tế và pháp luật. Trong đó môn Lịch sử tính hệ số 2.
Nhóm 4 là các ngành Truyền thông - Quảng cáo - Quan hệ công chúng - Quan hệ quốc tế, xét tuyển 4 tổ hợp: Văn - tiếng Anh - Toán; Văn - tiếng Anh - Tin học; Văn - tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật; Văn - tiếng Anh - Lịch sử. Trong đó môn tiếng Anh tính hệ số 2.
Việc bỏ xét tuyển tổ hợp Văn - Lịch sử - Địa lý hay còn gọi là khối C truyền thống đang nhận được quan tâm của các thí sinh.
(Ảnh minh họa)
TS. Nguyễn Thị Như Huế, Phó trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lý giải: "Điểm mới trong xét tuyển đại học năm nay của Học viện Báo chí và Tuyên truyền theo quy chế chung của Bộ GDĐT. Mặc dù không giới hạn tổ hợp nhưng theo quy định các trường bắt buộc phải có môn Toán hoặc Văn và chiếm ít nhất 25% tổng điểm xét tuyển. Do vậy, là trường thuộc khối ngành xã hội nhân văn, nhà trường chọn tổ hợp có môn Văn.
Ngoài môn Văn bắt buộc, việc chọn các môn trong tổ hợp cũng dựa vào tiêu chí của nhóm ngành. Nhóm 1 là ngành Báo chí - Xuất bản thì ưu tiên môn Văn, nhóm 3 là ngành Lịch sử thì ưu tiên môn Lịch sử, nhóm 4 là Báo chí - Truyền thông ưu tiên môn tiếng Anh".
Cũng theo TS Huế, mặc dù không có tổ hợp Văn, Lịch sử, Địa lý nhưng điểm mới năm nay là nhà trường tuyển thẳng những thí sinh có giải Học sinh giỏi Quốc gia môn Địa lý. Các năm trước không tuyển thẳng nhóm thí sinh này.
"Bên cạnh việc bám vào quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT, nhà trường cũng dựa vào kết quả phân tích kết quả học tập của sinh viên để đưa ra phương thức xét tuyển năm 2025 phù hợp", TS Huế cho hay.
Phương thức tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền 2025
Ngoài tuyển thẳng theo quy định, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sử dụng 3 phương thức tuyển sinh là xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp.
Cụ thể, trường xét tuyển những thí sinh có IELTS từ 6.5 và SAT từ 1.200, đồng thời điểm trung bình chung học tập các môn toán, văn, tiếng Anh và lịch sử của cả 3 năm THPT phải đạt 7,0 trở lên. Trường cũng chỉ chấp nhận thí sinh có hạnh kiểm tốt bậc THPT.
Ở phương thức này, điểm chứng chỉ quy đổi được tính hệ số 2 kết hợp với điểm 2 môn khác không phải tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển. Những thí sinh có IELTS 7.0 và SAT 1.360 sẽ được quy đổi sang điểm 10.
Ngoài ra, thí sinh có IELTS và SAT sẽ được tính điểm khuyến khích khi dự tuyển vào trường theo phương thức xét học bạ. Mức điểm cộng tối thiểu là 0,1 và tối đa là 0,5.
Bảng quy đổi điểm chứng chỉ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền như sau:
Ngoài các điều kiện về học bạ THPT, thí sinh dự tuyển vào một số ngành của Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn phải đạt yêu cầu ngoại hình. Ví dụ, thí sinh dự tuyển ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị không được nói ngọng, nói lắp; thí sinh dự tuyển ngành Quay phim không được có dị tật về mắt, chiều cao tối thiểu 1,58m với nữ và 1,62m với nam.
Trường sẽ tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh sau trúng tuyển. Nếu không đạt các yêu cầu nêu trên sẽ phải chuyển sang học các ngành khác có điểm chuẩn tương đương.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)