Khi nhắc đến hủ tục chôn sống (hay tuẫn táng), nhiều người nghĩ ngay đến phong tục mai táng cổ xưa của Trung Quốc. Hủ tục này xuất phát từ quan niệm để đảm bảo rằng khi vua chúa sang thế giới bên kia vẫn có người hầu kẻ hạ như lúc sinh thời hoặc dùng để trấn yểm. Tục tuẫn táng thường chỉ dành cho tầng lớp cao nhất gồm vua chúa và quý tộc. Những người được chọn tuẫn táng cùng người chết sẽ gồm vợ, thê thiếp hoặc người hầu hạ thân cận, nô lệ... Thậm chí, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng những người thợ xây lăng tẩm cho vua chúa cũng có thể nhận kết cục tương tự nhằm giữ bí mật mãi mãi về nơi yên nghỉ này.
Đặc biệt là các hoàng đế cổ đại thích xây dựng lăng mộ nhất. Quy mô lăng mộ thể hiện địa vị của người chết trong xã hội, và hoàng đế cũng cần một lăng mộ lớn để đặt thi hài của mình sau khi qua đời. Thậm chí, một số hoàng đế còn có binh lính, Hoàng hậu và phi tần "tháp tùng" cùng kho báu vàng bạc trong lăng mộ của họ. Những người bị tuẫn táng theo không có quyền phản kháng và cuối cùng họ chỉ có thể chấp nhận số phận của mình khi bị giam trong lăng mộ với vị hoàng đế đã chết. Cũng có nhiều cách tuẫn táng, bao gồm chôn người sống, chôn người chết và thậm chí là chôn hình nộm.
Trong lăng mộ đã bố trí sẵn một số người làm nhiệm vụ “kết liễu” những người bị tuẫn táng khi họ được đưa vào lăng mộ. Cho nên rất hiếm xảy ra tình huống người tuẫn táng ở trong lăng mộ chờ chết. Nói chung những người bị tuẫn táng thường là nô lệ. Vì địa vị của họ trong xã hội khi đó rất thấp. Kẻ cầm quyền gần như không bận tâm đến sự sống cái chết của họ.
Tóm lại, trong lịch sử của Trung Quốc, phong tục chôn cất tế lễ đã kéo dài hàng ngàn năm qua các thời kỳ phong kiến. Mặc dù cũng có sự gián đoạn trong một số triều đại.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)