Hoa sữa thuộc họ Aponyaceae có tên khoa học là Alstonia, có nhiều ở châu Á Thái Bình Dương như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Australia…Tại Việt Nam, hoa sữa đi vào trong thơ ca, nó như là nét đặc trưng của Hà Nội. Hoa sữa còn được gọi với tên gọi khác như mùa cua, mồng cua…
Loài hoa này nếu trồng 1-2 cây sẽ có mùi thoang thoảng nhưng trồng nhiều sẽ có mùi hắc khó chịu, khiến nhiều người không thích
Có nên trồng cây hoa sữa trước nhà hay không?
Thực tế việc nên hay không nên trồng hoa sữa trước nhà phụ thuộc vào sở thích của gia chủ. Với những gia chủ trót yêu thích mùi thơm của loài hoa sữa, thì trồng 1 cây hoa sữa nhỏ trước nhà không phải là vấn đề gì quá khó chịu. Vào những lúc tiết trời trở mình sang Thu, thời tiết dịu nhẹ, không khí trong lành, cơn gió se se lạnh tràn về, mùi hoa sữa nồng nàn đặc trưng lan tỏa mang đến dư vị khó tả. Những chùm hoa sữa nhỏ liti, trắng muốt dịu nhẹ tô điểm cho không gian sống. Cây cũng cho bóng mát, góp phần thanh lọc không khí, hạn chế bụi bặm, ô nhiễm, giúp cuộc sống trong lành hơn.
Nên hỏi ý kiến cả nhà trước khi trồng cây hoa sữa.
Ngược lại những người không thích mùi hoa sữa, cảm thấy hoa có mùi hắc, nồng, thì cũng không nên ép mình trồng cây hoa sữa trước nhà. Suy cho cùng việc trồng cây cảnh là thú vui, phải thực sự thích thì hẵng trồng, có như vậy ta mới chăm sóc cho chúng được tốt nhất.
Trước khi quyết định trồng, bạn nên hỏi ý kiến thành viên trong gia đình, nếu một người không thích thì cũng cần xem xét lại có nên trồng hay không. Vì nếu cố tình trồng, thành viên đó dị ứng hoặc khó chịu với mùi hoa sẽ gây bất hòa trong gia đình, tất nhiên đây là điều không ai muốn phải không nào.
Một số công dụng của cây hoa sữa
Nhiều nghiên cứu trên động vật chứng minh dịch chiết của vỏ cây hoa sữa được sử dụng với các tác dụng kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng sốt rét.
Ngoài ra, nó còn bảo vệ tế bào gan, chống lại sự phát triển của tế bào ung thư, giảm đau, chống loét đường tiêu hóa, chống oxy hóa (antioxidant), điều hòa miễn dịch, chống hen, điều trị viêm phế quản. Bởi lẽ, chúng có tác dụng giãn phế quản, chống dị ứng, làm dịu các tổn thương trên da và giảm các triệu chứng dị ứng trên da.
Hoa sữa còn có tác dụng kích thích ăn uống và làm tăng tiết sữa ở phụ nữ cho con bú. Ấn Độ còn sử dụng hoa sữa trong thành phần của thuốc đánh răng vì tác dụng sát khuẩn.
Trong Đông y, hoa sữa là một loại thảo dược được sử dụng trong nhiều bài thuốc. Vỏ cây hoa sữa có vị đắng, tính lạnh, có tính năng thanh nhiệt, giải độc, chỉ thống, bình suyễn, chỉ khát, triệt ngược, phát nhãn, kiện vị. Để thanh nhiệt và kích thích tiêu hóa chúng ta lấy vỏ cây hoa sữa đã phơi khô tán mịn sắc lấy nước uống, ngày uống 1-3g bột.
Ngoài các tác dụng trên thì vỏ cây hoa sữa còn có tác dụng chữa đau răng, chống lở loét bằng cách sắc thật đặc lấy nước để uống. Với những bệnh nhân bị nôn mửa thiếu máu do hóa trị liệu thì dùng 20g lá cây đã sao vàng sắc lấy nước để uống. Tác dụng của cây hoa sữa trong phòng và chữa bệnh là vô cùng đa dạng và cần được tiếp tục nghiên cứu.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)