Hà Sơn Bình là một tỉnh miền Bắc tồn tại từ năm 1975 đến năm 1991, trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. Thời điểm đầu hợp nhất, tỉnh Hà Sơn Bình có khoảng 1,9 triệu người người với 21 huyện, 3 thị xã. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hà Đông.
Đến năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình được chia lại để tái lập tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình, đồng thời trả thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất về tỉnh Hà Tây quản lý.
Thành phố Hòa Bình
Hòa Bình là tỉnh miền núi, phía Tây Bắc của Tổ quốc giáp với Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ giao lưu giữa đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với Tây Bắc. Là cửa ngõ thông sang Thượng Lào (điểm gần nhất cách biên giới Việt - Lào 30km), nằm trong giới hạn 20°19’ - 21°08’ độ vĩ bắc và 104°48’ - 105°40’ độ kinh đông. Phía bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía đông giáp thành phố Hà Nội, phía tây giáp tỉnh Sơn La, phía nam giáp các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Thanh Hóa. Tỉnh Hòa Bình có địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn và theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, phân chia thành 2 vùng: vùng núi cao nằm về phía Tây Bắc có độ cao trung bình từ 600 - 700 m, địa hình hiểm trở, chiếm 44,8% diện tích toàn vùng; vùng núi thấp nằm ở phía Đông Nam, chiếm 55,2% diện tích toàn tỉnh, địa hình gồm các dải núi thấp, ít bị chia cắt, độ dốc trung bình từ 20 - 25 độ, độ cao trung bình từ 100 - 200 m so với mực nước biển.
Hòa Bình là tỉnh miền núi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên khoảng 4.600km²; đơn vị hành chính bao gồm 10 huyện và 1 thành phố; 210 xã, phường, thị trấn. Dân số trên 80 vạn người, với 6 dân tộc chính (Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, H’Mông) trong đó dân tộc Mường chiếm đa số với trên 63%.
Hòa Bình nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 76 km theo hướng quốc lộ 6, là khu vực đối trọng phía Tây của Thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ; phía Tây giáp tỉnh Sơn La và Thanh Hóa, phía Đông Nam giáp tỉnh Hà Nam, Ninh Bình.
Tỉnh có mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy tương đối phát triển, trong đó có các tuyến đường quốc gia quan trọng đi qua như: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6, Quốc lộ 12B, trong tương lai là đường cao tốc Hòa Bình đi Hòa Lạc (Hà Nội) … Mạng lưới giao thông phân bố khá đều khắp, kết nối Hòa Bình với các tỉnh trong khu vực và các địa phương trong tỉnh khá thuận lợi. Vị trí địa lý của tỉnh là một điều kiện thuận lợi cho Hòa Bình mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế.
Đặc điểm nổi bật của địa hình tỉnh Hoà Bình là đồi, núi dốc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, chia thành hai vùng rõ rệt: phía Tây Bắc (vùng cao) và phía Đông Nam (vùng thấp).
Tỉnh Hòa Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên rất phong phú, đa dạng, bao gồm các sông, hồ, suối nước khoáng, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia … trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến Hồ Hòa Bình có diện tích khoảng 8.000 ha, với dung tích nước lớn và hơn 40 đảo nổi trong hồ, đây là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch tham quan, du lịch sinh thái. Bên cạnh đó khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi cũng có sức hút rất lớn với du khách gần xa, thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, chữa bệnh.
Hòa Bình còn được biết đến là cái nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới với hệ thống di chỉ khảo cổ dày đặc; hệ thống lễ hội dân gian, phong tục tập quán độc đáo, đặc sắc. Chính nét đa dạng văn hóa đã tạo nên sức hấp dẫn lớn cho phát triển du lịch nhân văn của tỉnh Hòa Bình.
Hiện toàn tỉnh có 185 điểm di tích được đưa vào hồ sơ nghiên cứu, quản lý, 21 di tích cấp tỉnh và 37 di tích được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch xếp hạng. Một số điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình bao gồm: Lòng hồ Sông Đà (TP Hòa Bình), núi Đầu Rồng (Cao Phong), Động Tiên (Lạc Thủy), Suối khoáng (Kim Bôi), Bản Lác, Bản H’mông (Mai Châu), Bản Mường Giang Mỗ (Bình Thanh - Cao Phong), Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (TP. Hòa Bình) …
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)