Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 6/5 đến 5/7. Một trong những điểm đáng chú ý là Bộ đề xuất bỏ hình thức đình chỉ học tập - mức kỷ luật cao nhất từng áp dụng trong nhiều năm qua nhằm thay đổi cách tiếp cận trong việc giáo dục học sinh vi phạm.
Theo dự thảo, việc xử lý kỷ luật học sinh sẽ được điều chỉnh theo hướng nhẹ nhàng và mang tính giáo dục nhiều hơn. Với học sinh tiểu học, các hình thức kỷ luật tối đa chỉ là nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi. Ở cấp THCS và THPT, học sinh vi phạm có thể bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản kiểm điểm. Mức xử lý cao nhất sẽ là viết bản tự kiểm điểm, không còn hình thức đình chỉ học như trước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc kỷ luật học sinh cần hướng đến mục tiêu giáo dục, giúp các em nhận thức rõ hành vi sai trái, từ đó điều chỉnh và khắc phục hậu quả, thay vì gây áp lực hay tạo mặc cảm. Các hình thức kỷ luật phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, tôn trọng đặc điểm tâm lý lứa tuổi và quyền được tham gia ý kiến của học sinh.
Dự thảo nêu rõ sẽ không kỷ luật đình chỉ học với học sinh vi phạm (Ảnh minh họa)
Dự thảo cũng nêu rõ, không sử dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm hay gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của học sinh.
Có thể thấy, quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh hầu như không thay đổi nhiều. Từ Thông tư năm 1988, học sinh vi phạm có thể bị khiển trách trước lớp, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học một tuần hoặc thậm chí một năm. Đến năm 2020, Điều lệ trường học mới được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ các hình thức phê bình trước lớp, trước trường. Mức kỷ luật cao nhất lúc đó là “tạm dừng học có thời hạn”, thường kéo dài từ 1 đến 4 tuần.
Tuy nhiên, quy định này gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng các vụ học sinh bạo lực, xúc phạm lẫn nhau trên mạng xã hội hoặc ngoài đời thực.
Với dự thảo Thông tư mới, Bộ Giáo dục kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường học đường an toàn, nhân văn và mang tính giáo dục cao hơn. Việc xử lý học sinh vi phạm không nhằm trừng phạt mà để định hướng hành vi, giúp các em trưởng thành qua từng trải nghiệm.
Về mặt khen thưởng, dự thảo giữ nguyên các hình thức như tuyên dương trước lớp, trước trường, tặng giấy khen. Đồng thời, Bộ đề xuất bổ sung hình thức tặng thư khen nhằm ghi nhận kịp thời những hành động tích cực, gương mẫu của học sinh.
Dự thảo Thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh sẽ được tiếp tục lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 5/7. Sau thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét, điều chỉnh nội dung để hoàn thiện văn bản trước khi ban hành chính thức.
N.Tường (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)