Tên gọi đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử của vùng đất Hà Nội là gì?
Truyền thuyết kể rằng lúc Cao Biền nhà Đường, vào năm 866 đắp Thành Đại La, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là Thần Long Đỗ. Do đó trong sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.
Tên gọi đầu tiên của Hà Nội là Long Đỗ, có nghĩa là "rốn rồng"
Năm Quang Thái thứ 10 (1397) đời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly có ý định cướp ngôi nhà Trần nên muốn dời Kinh đô về đất An Tôn, Phủ Thanh Hóa. Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói: "Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời Kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có Núi Tản Viên, có Sông Lô Nhị (tức Sông Hồng ngày nay), núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi". Điều đó cho thấy Long Đỗ đã từng là tên gọi đất Hà Nội thời cổ. Trong tiếng Hán, Long Đỗ cũng có nghĩa là "rốn rồng".
Trải qua nhiều lần đổi tên trước khi trở thành Hà Nội
Hà Nội đã trải qua nhiều lần đổi tên trong lịch sử trước khi có tên gọi như ngày nay. Mỗi cái tên đều mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa và đặc trưng riêng. Thống kê cho thấy, Hà Nội từng có 10 tên gọi chính quy, gồm: Long Đỗ, Tống Bình, Đại La hay Đại La Thành, Thăng Long (rồng bay lên), Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành, Thăng Long (thịnh vượng lên), Hà Nội. Bên cạnh đó là những cái tên không chính quy như Long Biên, Long Thành, Trường An…
Hà Nội là vùng đất ngàn năm văn hiến nên từ xưa đã có nhiều tên gọi
Ý nghĩa tên gọi Hà Nội
Năm 1831, vua Minh Mạng chính thức đặt tên Hà Nội cho vùng đất này. Cái tên "Hà Nội" mang ý nghĩa "trong sông", để chỉ vị trí địa lý đồng bằng, được bao bọc bởi sông Hồng và sông Đày. Tên gọi này còn hàm chứa khát vọng về một thủ đô hòa bình, thịnh vượng và bên vững.
Hà Nội trải qua nhiều thời kỳ và chính thức được gọi tên Hà Nội vào năm 1831
Hôm nay, cái tên Hà Nội đã trở thành biểu tượng cho nền văn hóa nghìn năm và đồng thời mang trong mình tinh thần hiện đại của một đô thị đang phát triển mạnh mẽ.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)