Năm 2007, hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông bắt đầu được các nhà khoa học phát hiện và nghiên cứu. Đến năm 2014, Bảo tàng Địa chất Việt Nam và chuyên gia quốc tế công bố đây là hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á.
Trong đó, hang C7 dài nhất với 1.066m. Hang C3 xếp thứ hai với 594.4m. Các hang đều sở hữu những dấu tích đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như ngấn dung nham và hốc sụt. Tổng độ dài hệ thống hang khoảng 25km.
Hầu hết hang động thuộc hệ thống hang Krông Nô có dạng ống, ngã rẽ nối với nhau thành những vòng tròn. Nhiều miệng hang sâu hàng chục mét, phải có thiết bị chuyên dụng để khám phá. Nếu bên ngoài hang có thảm thực vật đa dạng, trong hang lại khác biệt khi dương xỉ là thực vật chiếm đa số.
Theo các nhà nghiên cứu, hang động núi lửa Krông Nô bảo lưu được nhiều dấu tích văn hóa, mộ táng và sinh hoạt hàng ngày của các bộ lạc thời tiền sử. Các di vật sớm nhất được xác định thuộc thời đại đồ đá mới, cách đây khoảng 6.000 – 8.000 năm, sau đó là giai đoạn con người rời hang vào hậu kỳ đồ đá mới – sơ kỳ Kim Khí, cách đây khoảng 3.000 năm. Các di sản hỗn hợp này được đánh giá thuộc loại độc nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, rất hiếm gặp trong các hang động núi lửa khác trên thế giới.
Mẫu vật hóa thạch cúc đá được tìm thấy trong hang động núi lửa Krông Nô.
Tháng 6/2023, hang C6-1 thuộc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được công nhận Di tích cấp Quốc gia. Theo đó, nhiều biện pháp đang được cơ quan chức năng triển khai để bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ người tiền sử tại hang C6-1 nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nói chung.
Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2020. Công viên có diện tích 4.760 km2, trải dài trên địa bàn 5 huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP Gia Nghĩa. Công viên có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m...
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)