Khắp non sông Việt Nam, có nhiều vùng văn hóa khác biệt đã làm nên tên tuổi và cách nhận biết địa danh. Trong đó, vùng xứ Nẫu từng nổi tiếng với những bãi biển xanh trong, là tên gọi chung của hai tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Sở dĩ gọi như vậy vì "nẫu" là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba phổ biến tại các địa phương này, mang ý nghĩa chỉ người ta, họ… Như câu thơ: "Ai về sông núi Phú Yên. Cho nẫu nhắn gở nỗi niềm nhớ quê".
Hay thay vì hỏi "Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy?" thì người dân Bình Định và Phú Yên hỏi là "Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?" hay “Cái nhà này là của họ” thì dân nơi đây sẽ nói là “Cái nhà nhà này là của nẫu”.
Cũng như các vùng miền khác, mà gần nhất là xứ Quảng, giọng nói người xứ nẫu không lẫn vào đâu được. Người xứ Nẫu luôn nói lớn tiếng, giọng nặng và hầu hết các âm tiết đều bị biến dạng theo hướng nặng hơn, khó phát âm hơn…khó đến nỗi chỉ người xứ Nẫu mới nói được... Ví dụ như: Nẫu (người ta), rầu (rồi), cái đầu gấu (gối), trời tấu (tối), cái xỉ (muỗng), tộ (chén)…
Khi đến thăm xứ Nẫu bạn có thể khám phá nét đẹp trong văn hóa, tâm hồn con người Bình Định, Phú Yên. Một xứ Nẫu thân thiện, mến khách và rất đỗi nhiệt tình. Hãy khám phá xứ Nẫu để cảm nhận thêm giá trị tinh hoa của một vùng đất thú vị.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)