Vĩnh Long và Trà Vinh từng sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Trà. Theo lịch sử tỉnh Trà Vinh, từ 1/1/1900, tên gọi tỉnh Trà Vinh được sử dụng chính thức cho đến tháng 5/1951, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ đã ban hành Nghị định số 174/NB-51 ngày 27/6/1951 về việc sáp nhập 20 tỉnh Nam Bộ thành 11 tỉnh. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được sáp nhập lại thành 1 tỉnh Vĩnh Trà.
Tỉnh Trà Vinh ngày nay.
Lúc này, tỉnh Vĩnh Trà gồm 10 huyện, thị: Thị xã Vĩnh Long, Thị xã Trà Vinh, các quận Vũng Liêm, Tam Bình, Cái Ngang, Châu Thành, Càng Long, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải.
Theo thống kê gần nhất, Trà Vinh tăng trưởng dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Trà Vinh đạt 10,04%, đây là năm địa phương này có mức tăng trưởng cao nhất, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nằm trong top 10 của cả nước.
Theo Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2024 của tỉnh Trà Vinh ước tính tăng 10,04% so với năm 2023, tăng ở tất cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,15%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 20,23%, đóng góp 6,56 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,46%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,31%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,6%; khu vực dịch vụ chiếm 29,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,06% (Cơ cấu tương ứng của năm 2023 là 28,34%; 35,92%; 30,31%; 5,43%). Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2024 của Trà Vinh ước đạt 96.623 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 94,37 triệu đồng/người, tăng 12,04 triệu đồng so với năm 2023. CPI bình quân tăng 2,69% so với năm 2023.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)