Ngày 26/1/1968, Hưng Yên và Hải Dương được hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hải Dương. Khi hợp nhất, tỉnh có hai thị xã là Hải Dương và Hưng Yên cùng 20 huyện. Diện tích của tỉnh Hải Hưng khoảng 2.500 km2, dân số 2,7 triệu người. Đến năm 1997, Chính phủ quyết định tách tỉnh Hải Hưng thành tỉnh Hải Dương và Hưng Yên như hiện nay.
Thành phố Hưng Yên
Hôm nay, cùng chúng tôi tìm hiểu về mảnh đất và con người Hưng Yên nhé!
Hưng Yên là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hưng Yên nằm trong toạ độ 20036' và 210 vĩ độ Bắc, 105053' và 106015' kinh độ Đông, phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía tây giáp thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây, Hà Nam, phía nam giáp tỉnh Thái Bình.
Cùng với sự phát triển kinh tế của cả nước, Hưng Yên được đánh giá là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh và cao. Nền kinh tế Hưng Yên đang đổi thay từng ngày. Cơ cấu kinh tế đang dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nông nghiệp, nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ trọng giữa chăn nuôi và trồng trọt được cân đối. Người nông dân bước đầu quan tâm đến sản xuất hàng hoá, đảm bảo an ninh lương thực. Công nghiệp, dịch vụ có bước phát triển khá. Công nghiệp địa phương tuy còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Một số ngành hàng tiếp tục được củng cố phát triển, lựa chọn các mặt hàng ưu tiên và có lợi thế để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Khối công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh do số dự án đi vào hoạt động tăng lên, sản phẩm được thị trường chấp nhận và có xu thế phát triển tốt. Riêng ngành du lịch và dịch vụ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đáp ứng nhu cầu khai thác tiềm năng phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước như: du lịch Phố Hiến, di tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Nét nổi bật trong truyền thống văn hiến của người Hưng Yên là truyền thống hiếu học và khoa bảng. Gần 10 thế kỷ khoa bảng dưới thời phong kiến Việt Nam (1075 - 1919), Hưng Yên có 228 vị đỗ đại khoa, nhiều người đã trở thành những nhân vật được sử sách ca ngợi, nhân dân truyền tụng như các nhà quân sự: Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình; danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; nhà khoa học: Nguyễn Công Tiễu, Phạm Huy Thông; nhà văn: Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng; hoạ sĩ: Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên; các nhà hoạt động chính trị tài ba: Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, ...
Hưng Yên có nhiều di tích văn hóa để phát triển tiềm năng du lịch
Trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước và qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay Hưng Yên có diện tích tự nhiên 930,22 km2, với dân số trên 1,2 triệu người. Hưng Yên có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh: Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình và Bắc Ninh. Có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, 08 huyện (Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm, Văn Giang); trong đó có 14 phường, 08 thị trấn và 139 xã. Trung tâm hành chính của tỉnh đặt tại thành phố Hưng Yên nằm cách thủ đô Hà Nội 64 km về phía đông nam, cách thành phố Hải Dương 50 km về phía Tây Nam.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)