Theo số liệu thống kê từ Google, chỉ trong hơn một tháng triển khai (từ cuối tháng 12/2024), Play Protect đã bảo vệ hơn 360.000 thiết bị khỏi hơn 1,5 triệu lượt cài đặt ứng dụng độc hại từ 8.000 ứng dụng nguy hiểm. Kết quả này cho thấy hiệu quả rõ rệt của tính năng trong việc ngăn chặn các mối đe dọa tiềm ẩn trên thiết bị di động.
Google cảnh báo 5 tình huống người Việt dễ mất tiền (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh việc tăng cường bảo mật thông qua công nghệ, Google cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cho người dùng về các chiêu thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi. Việc trang bị kiến thức về các thủ đoạn này sẽ giúp mỗi cá nhân và cộng đồng tự bảo vệ mình, đồng thời chủ động báo cáo các mối đe dọa tiềm ẩn.
"Ngăn chặn người dùng khỏi các vụ lừa đảo độc hại đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả của toàn bộ hệ sinh thái trực tuyến," đại diện Google chia sẻ. Trong bối cảnh các đối tượng xấu không ngừng phát triển kỹ thuật lừa đảo mới, sự phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý và người dùng là yếu tố then chốt để tạo nên một "tấm khiên" vững chắc.
Dưới đây là 5 tình huống mà Google cảnh báo người dùng Việt Nam cần đặc biệt cảnh giác:
1. Lừa đảo lợi dụng các sự kiện lớn
Kẻ lừa đảo thường tranh thủ các sự kiện nổi bật như hòa nhạc, sự kiện thể thao, lễ hội văn hóa, hoặc thậm chí thảm họa thiên nhiên để thực hiện các chiêu trò lừa đảo, chẳng hạn như bán vé giả hoặc mạo danh tổ chức từ thiện. Trong những thời điểm này, áp lực phải hành động nhanh chóng khiến nhiều người mất cảnh giác và dễ dàng trở thành nạn nhân. Google đang tăng cường các biện pháp giám sát và thực thi trong khủng hoảng và các sự kiện lớn, áp dụng các chính sách đặc biệt để ngăn chặn việc khai thác, bác bỏ hoặc dung túng cho các sự kiện nhạy cảm.
2. Lừa đảo đầu tư thông qua người nổi tiếng được tạo bởi AI
(Ảnh minh hoạ)
Với sự trợ giúp của AI, kẻ lừa đảo tạo ra các video và hình ảnh giả mạo (deepfake) trong đó người nổi tiếng quảng bá cho các khoản đầu tư bất hợp pháp, đặc biệt trong lĩnh vực tiền điện tử. Sự kết hợp giữa gương mặt có sức ảnh hưởng, nội dung chuyên nghiệp và lời hứa hẹn lợi nhuận cao khiến các vụ lừa đảo này trở nên đặc biệt thuyết phục. Google đã cập nhật chính sách để giải quyết các vụ lừa đảo mạo danh người nổi tiếng và đang phát triển các công cụ như SynthID để xác định nội dung được tạo bởi AI. Google khuyến cáo người dùng nên cảnh giác với lời khuyên đầu tư từ người nổi tiếng trên mạng xã hội và quan sát kỹ các biểu cảm khuôn mặt không tự nhiên trong video.
3. Lừa đảo du lịch và thương mại điện tử
Kẻ lừa đảo tạo ra các trang web nhái lại các trang mua sắm, du lịch và bán lẻ hợp pháp, dụ dỗ nạn nhân bằng mức giá hấp dẫn cho các mặt hàng phổ biến, vé hòa nhạc hoặc ưu đãi du lịch. Các trang web này được sao chép tinh vi, từ thiết kế đến trang dịch vụ khách hàng, khiến chúng khó phân biệt với trang web chính thức. Để tránh bị phát hiện, kẻ lừa đảo sử dụng kỹ thuật "cloaking" (che đậy) và tạo cảm giác cấp bách bằng các "ưu đãi có thời hạn". Google đang tích cực quét và loại bỏ các trang web lừa đảo, đồng thời khuyến khích người dùng xác minh trang web trước khi mua hàng, kiểm tra URL, các tính năng bảo mật và cảnh giác với các mức giá quá thấp.
4. Lừa đảo thông qua giả mạo dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ xa
(Ảnh minh hoạ)
Kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của các công ty, ngân hàng và cơ quan nhà nước, tạo ra các tình huống khẩn cấp để dụ dỗ nạn nhân cài đặt phần mềm truy cập từ xa, từ đó kiểm soát thiết bị, truy cập dữ liệu cá nhân và thực hiện các giao dịch trái phép. Google đã triển khai nhiều lớp bảo vệ để phát hiện và ngăn chặn các trang web hoặc quảng cáo hỗ trợ kỹ thuật đáng ngờ. Google khuyến cáo người dùng không bao giờ cấp quyền truy cập từ xa cho tài khoản lạ và liên hệ trực tiếp với các công ty thông qua kênh liên lạc chính thức.
5. Lừa đảo việc làm
Kẻ lừa đảo đăng tin tuyển dụng giả trên các trang web tuyển dụng uy tín và mạng xã hội, thực hiện phỏng vấn video chuyên nghiệp và sử dụng các hợp đồng, tài liệu giả mạo để tăng độ tin cậy. Ngoài việc yêu cầu các khoản phí trả trước và đánh cắp dữ liệu, cách thức này còn lôi kéo nạn nhân tham gia vào các hoạt động rửa tiền. Google khuyến cáo người dùng cẩn trọng với các đề xuất công việc "quá tốt để thành sự thật", đặc biệt là các lời mời liên quan đến chuyển tiền và xác minh lại các cơ hội việc làm thông qua kênh chính thức của các công ty.
Tuấn Nguyễn (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)