Bạn có thể nhận thấy rằng chai nước thường có đáy phẳng (chỉ có những vết lõm nhỏ để cải thiện độ ổn định của chai). Mặt khác, chai nước ngọt và soda, đặc biệt là những chai làm bằng nhựa không có đáy phẳng, chân của những chai này thường có thiết kế hình bông hoa 5 cánh.
Có bao giờ bạn thắc mắc thiết kế này ẩn chứa bí mật gì?
Các vết lồi lõm hoặc nếp gấp ở chân chai nước ngọt làm tăng độ chắc chắn của chai. Ví dụ với một tờ giấy, bạn dễ dàng gấp chúng lại một cách bình thường. Tuy nhiên nếu bạn cuộn tròn chúng rồi gấp thì sẽ khó khăn hơn nhiều. Như vậy có thể thấy uốn cong bất kỳ vật liệu nào sẽ góp phần làm tăng sức mạnh và độ cứng của nó hay vật lý gọi là tăng mômen quán tính quanh trục uốn.
Những chai nước ngọt thường sẽ được phục vụ ướp lạnh để bảo toàn khí gas và độ ngon của sản phẩm. Tuy nhiên làm lạnh sẽ khiến cho thể tích chất lỏng có khí gas thay đổi khiến áp suất trong chai tăng lên, nếu đáy chai không đủ sức chịu thì khả năng cao sẽ bị vỡ hoặc nước bị bắn ra ngoài. Chính vì thế, các nhà sản xuất đã thiết kế đáy chai có phần lõm vào trong nhằm gia tăng sức chịu đựng, tận dụng khả năng có thể co giãn của các đường gấp khúc khi nhiệt độ thay đổi thất thường để chống chịu lực ép từ chất lỏng bên trong.
Một lý do nữa là hầu hết các loại nước giải khát đều được điều áp bằng cách nạp gas, chai nhựa phải có khả năng chịu được áp lực. Nó cũng sẽ hấp thụ những cú sốc khi bạn vô tình làm rơi chai xuống. Nếu không tin, bạn có thể lấy ngay một chai nhựa ra và giẫm nát chúng. Chắc chắn bạn chỉ có thể làm biến dạng phần trên của chai trong khi phần đáy thì rất khó.
Bên cạnh đó, nếu để ý bạn cũng thấy những chai nước giải khát có xu hướng giảm dần kích thước về phía trên miệng chai. Điều này nhằm giúp hạ thấp trọng tâm của nó, kết hợp với việc đáy chai không bằng phẳng càng giúp cải thiện sự ổn định của toàn bộ chai nước. Cả lon nước ngọt cũng có đáy uốn cong vào bên trong để đạt được mục đích này.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)