Giá vàng hôm nay (17/4) tăng "sốc" lên mốc 120 triệu đồng/lượng
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, nhà vàng Mi Hồng điều chỉnh giá vàng SJC tăng vọt lên mức 114 - 120 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tại doanh nghiệp này cũng được đẩy lên mức 110,5 - 117 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, các nhà vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, DOJI và Công ty SJC hiện vẫn chưa điều chỉnh giá so với chốt phiên giao dịch hôm qua. Giá vàng miếng tại các đơn vị này hiện đồng loạt niêm yết quanh mức 113 - 115,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tăng vọt lên mức 114 - 120 triệu đồng/lượng (Ảnh minh họa).
Về giá vàng nhẫn, Bảo Tín Minh Châu giữ ở mức 112 - 115 triệu đồng/lượng, PNJ niêm yết ở mức 110,5 - 113,6 triệu đồng/lượng. DOJI và Công ty SJC lần lượt niêm yết ở mức 110,3 - 112,6 triệu đồng/lượng và 108 - 110,5 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá vàng SJC và vàng nhẫn đã liên tiếp lập kỷ lục mới, với mức tăng lên tới 7,5 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày.
Trên thị trường thế giới, theo giờ Việt Nam, giá vàng cũng giao ngay ở ngưỡng 3.350 USD/ounce tăng 9 USD so với phiên giao dịch trước. Đây cũng là mốc đỉnh mới của giá vàng thế giới.
Theo Kitco News, giá vàng đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, nhảy hơn 100 USD trong phiên để chạm mốc 3.345 USD/ounce, khi rủi ro địa chính trị và căng thẳng thương mại leo thang khiến nhà đầu tư rút khỏi thị trường cổ phiếu và chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn.
Nên đầu tư vàng miếng SJC hay nhẫn trơn?
Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư vàng nào sẽ an toàn và hiệu quả tốt hơn là điều nhiều người quan tâm.
Chuyên gia Nguyễn Quang Huy cho rằng, mỗi loại vàng có đặc điểm riêng, phù hợp với từng nhóm nhà đầu tư và kèm những rủi ro tiềm ẩn, cần hiểu rõ.
Trong đó, ưu điểm của vàng nhẫn là giá sát thị trường, phù hợp với người có vốn nhỏ, tích sản dần theo thời gian. Tuy nhiên, thanh khoản thấp, thường chỉ bán được dễ dàng tại đúng nơi đã mua. Nếu mang sang cửa hàng khác, có thể họ không mua lại hoặc ép giá thấp hơn.
Cùng với đó, chất lượng vàng nhẫn không đồng đều, phụ thuộc vào uy tín của từng cơ sở, người mua phải cẩn trọng chọn nơi tin cậy.
Còn vàng miếng SJC được quản lý bởi thương hiệu uy tín, chất lượng bảo đảm, dễ dàng mua bán tại các cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, giá vàng miếng thường cao hơn vàng thế giới tới hàng triệu đồng mỗi lượng, có thể bị ảnh hưởng khi chính sách quản lý thay đổi.
(Ảnh minh họa)
Trong giai đoạn thị trường nhiều biến số, vàng vẫn là kênh phòng thủ có giá trị, nhưng không phải kênh tạo ra giá trị lâu dài. Do vậy, ông Huy khuyến nghị nhà đầu tư nên dành tối đa 10% danh mục tài chính cho vàng như một lớp “bảo hiểm tài sản”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, vàng nhẫn được giao dịch tự do, không nằm trong chương trình bình ổn giá của NHNN như vàng miếng SJC. Chính vì thế, các nhà đầu tư muốn giao dịch thông thoáng hơn thì chọn vàng nhẫn.
Dù tính thanh khoản của vàng miếng SJC tốt hơn vàng nhẫn, nhưng nguồn cung lại hạn chế hơn. Vì thế, các nhà đầu tư cần tính toán các yếu tố này để đưa ra quyết định.
Còn chuyên gia Phan Dũng Khánh nhận xét, hiện mua vàng nào cũng như nhau bởi chênh lệch giá không quá nhiều. Có thể mấy ngày nay giá vàng miếng cao hơn, nhưng vài ngày sau giá vàng nhẫn lại cao hơn. Lý do chính là đều bị ảnh hưởng từ giá thế giới.
Tuy nhiên, ông cho rằng, với những người ưa an toàn thì nên chọn vàng miếng SJC bởi đó là thương hiệu vàng quốc gia, có vị thế hơn, có thể bán bất kỳ tại nơi nào kinh doanh vàng. Còn vàng nhẫn thường vẫn chỉ “mua đâu bán đó”.
T.San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)