Các chuyên gia dự đoán giá vàng có thể đạt mốc lịch sử trong năm 2025
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 20925, thị trường vàng tiếp tục lập kỷ lục mới. Giá vàng trong nước đã ghi nhận sự tăng mạnh, phản ánh xu hướng leo thang của thị trường vàng quốc tế. Như ngày 8/2/2025, giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ niêm yết ở mức mua vào 86,7 triệu đồng/lượng và bán ra 90,1 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng ở giá bán.
Sau Tết Nguyên đán 2025, giá vàng trong nước đã có những biến động đáng kể, phản ánh tình hình phức tạp của thị trường vàng thế giới và nhu cầu trong nước (Ảnh minh họa)
Giá vàng trang sức tăng mạnh do giá vàng quốc tế liên tục leo thang. Ngày 5/2, giá vàng kỳ hạn COMEX (Sở Giao dịch Hàng hóa New York) có thời điểm chạm mức 2.906 USD/ounce, tiếp tục lập đỉnh lịch sử. Từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng liên tục trong năm tuần, với mức tăng trên 8%, tương đương hơn 210 USD/ounce. Nhiều tổ chức phân tích dự báo, trong năm 2025, giá vàng có thể vượt mốc 3.000 USD/ounce.
"Giá vàng tăng vọt chủ yếu do tâm lý lo ngại rủi ro trên thị trường toàn cầu", ông Dương Đức Long, Kinh tế trưởng tại Qianhai Open Source cho biết. Theo ông, việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và tiếp tục áp đặt thuế quan đối với nhiều đối tác thương mại, điều này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu, từ đó kích thích nhu cầu trú ẩn vào vàng.
Giá vàng quốc tế có thể vượt mốc 3.000 USD/ounce?
Giới đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến khả năng giá vàng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Dương Đức Long nhận định: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, vàng ngày càng thu hút dòng vốn đầu tư như một kênh trú ẩn an toàn và công cụ phòng ngừa lạm phát.
Ngày 5/2, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đã công bố báo cáo xu hướng nhu cầu vàng toàn cầu năm 2024. Theo đó, tổng nhu cầu vàng thế giới trong năm qua đã tăng 1% so với năm trước, đạt mức kỷ lục 4.974,5 tấn, chủ yếu nhờ nhu cầu đầu tư gia tăng.
Một chuyên gia phân tích độc lập trong lĩnh vực kim loại quý nhận định rằng tâm lý phòng ngừa rủi ro gia tăng là nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng mạnh. Ngoài ra, thị trường vẫn kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giúp giá vàng có nhiều cơ hội vượt mốc 3.000 USD/ounce trong thời gian tới.
Chuyên gia này cũng cảnh báo, dù triển vọng tăng giá của vàng là rất khả quan, nhưng thị trường có thể biến động mạnh, đòi hỏi nhà đầu tư cần có chiến lược linh hoạt để nắm bắt cơ hội cũng như kiểm soát rủi ro.
Trong báo cáo mới nhất, Citigroup nhận định nếu căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục leo thang, giá vàng có thể đạt mốc 3.000 USD/ounce trong vòng 6-12 tháng tới.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)