Tác phẩm "Hồng Lâu Mộng" là một trong những quyển sách được mệnh danh là "Thiên cổ kỳ thư" của Trung Quốc. Trong tác phẩm lột tả được cuộc sống đầy sống động của gia đình quyền quý cổ đại Trung Hoa từ đồ ăn thức uống, trang phục áo quần, nơi ở và cả cách hành xử. Điều khiến mọi người tán thưởng đó chính là mỗi một chi tiết được miêu tả trong sách đều có thể đem ra nghiên cứu và mang lại cho người đọc những kiến thức văn hóa phong phú, sâu rộng. Mọi người thường nói rằng thành công bắt nguồn từ những chi tiết mà từ những chi tiết này đều có thể thấy được vận mệnh của một gia tộc.
Trong “Hồng Lâu Mộng” đa phần là nữ giới, những tiểu thư cành vàng lá ngọc con nhà quyền quý chẳng phải làm việc chân tay bao giờ, không vận động trong thời gian dài ắt sẽ dẫn đến việc sức khỏe yếu ớt. Thế nên luôn phải dùng thuốc để kéo dài tuổi thọ và duy trì sức khỏe.
Trong tác phẩm xuất hiện không ít những loại dược liệu quý hiếm, kỳ bí mà ít ai biết đều dùng để duy trì sức khỏe, bồi bổ của các gia đình quyền quý. Sau đây cùng xem những dược liệu của một gia đình quý tộc có liên quan gì với vận mệnh suy thoái của cả một gia tộc?
Chỉ một loại thuốc có thể cho thấy sự tàn nhẫn của Giả mẫu dù vẻ ngoài lúc nào cũng thể hiện sự lương thiện, nhân từ.
Trong hồi thứ 49 mang tên “Cõi lưu ly mai hồng tuyết trắng, gái son phấn ăn sống nuốt tanh” có viết: “Một lúc, chị em đến đủ cả. Bảo Ngọc kêu đói cứ đòi ăn cơm. Chờ mãi mới có cơm bưng lên, món đầu là dê con chưng sữa bò. Giả mẫu nói: "Đó là vị thuốc của người già đấy. Những thứ chưa ra bóng mặt trời thì các cháu còn bé không nên ăn. Hôm nay có món thịt hươu tươi, các cháu hãy chờ mà ăn”.
Vị thuốc này chính là một vị thuốc tàn nhẫn nhất, độ tàn nhẫn có thể so sánh với việc ăn óc khỉ sống không hơn không kém. Cụ thể là làm như thế nào? Dựa theo quyển “Tuyển tập yếu thuật dân gian - Ẩm thực” có ghi chép thì chính là bắt con dê cái đang mang thai làm phẫu thuật phá thai, lấy bào thai ra ngoài. Tẩy sạch lông sữa ở dê con, cho vào chậu dùng nước lạnh ngâm 2 tiếng đồng hồ để chảy hết máu ra, loại bỏ chất nhầy. Đem dê con còn trong bụng ngâm trong nước nóng cho tới khi da căng lên, sau đó lại dùng nước lạnh rửa sạch, vắt sạch nước sau đó dùng muối, rượu Mao Đài, bột hồ tiêu xát đều lên bề ngoài rồi để nguyên chuẩn bị làm nguyên liệu cho món ăn. Dùng nồi đất sét nung, cho canh gà, sữa tươi, muối, nước cốt gà, hành, gừng, nấm mèo và bào thai dê con vẫn chưa được sinh ra đó vào. Dùng giấy bông che kín miệng nồi, cho vào lồng chưng nhừ, khi cho ra tô thì bỏ hành và gừng đi là được.
Người phụ nữ hiền từ, phúc hậu sẽ không thể dùng loại canh có cách làm tàn nhẫn như thế cũng cho thấy sự suy tàn của Giả phủ chỉ là vấn đề thời gian.
Đọc xong đoạn này, chắc chắn bạn sẽ không khỏi cảm thán rằng việc Giả phủ hưng hay suy hoàn toàn là điều có thể đoán ra được. Hàng ngày Giả Mẫu đều sống trong hưởng lạc, hóa ra những thứ gọi là từ bi nhân ái đều là giả tạo. Khẩu phật tâm xà, nếu như có một chút lòng từ bi thì sao có thể dùng loại vị thuốc tàn nhẫn đến như thế? Sự suy thoái của Giả phủ đã được thể hiện một cách rõ rệt trong những hành động của người chủ gia đình, Giả Xá hoang dâm vô độ, Giả Chính mục nát không ra thể thống gì, Vương phu nhân thì lòng dạ độc ác. Thêm vào đó là một chi tiết tàn nhẫn đến cực độ như vậy, những người trưởng bối trong Giả phủ đều suy đồi cực độ.
Vị thuốc khác nữa là "Lãnh hương hoàn": Một cơ duyên “thật khéo léo”, những ngọt đắng chốn nhân gian
Hồi thứ 7 của tác phẩm mang tên “Đem biếu cung hoa, Giả Liễn đùa Hy Phượng, Ăn yến Ninh phủ, Bảo Ngọc gặp Tần Chung” có viết: “Bảo Thoa cười nói: “Đừng hỏi phương thuốc ấy còn hơn, nếu hỏi, có khi làm người ta bực đến chết được. Các vị thuốc phải có đồng cân đồng lạng nhất định, khó nhất là được hai chữ “Vừa khéo”. Phải có mười hai lạng nhụy hoa mẫu đơn trắng nở vào mùa xuân, mười hai lạng nhụy hoa sen trắng nở vào mùa hạ, mười hai lạng nhụy hoa phù dung trắng nở vào mùa thu, mười hai lạng nhụy hoa mai trắng nở vào mùa đông. Đem bốn thứ này phơi vào ngày xuân phân năm sau, rồi tán kỹ với thuốc bột; lại phải có mười hai đồng cân nước hứng giữa trời đúng vào tiết vũ thủy (một trong 24 tiết vào các ngày 18, 19, 20 của tháng 2)…”.
Chu Thụy Gia cười nói: “Ối chao! Nói như thế thì phải mất ba năm mới được một thang thuốc! Nếu tiết vũ thủy không mưa thì làm thế nào?”. Bảo Thoa lại cười nói: “Thế mới nói! Làm gì có cơn mưa nào lại khéo đến thế? Cũng chỉ có thể tiếp tục đợi thêm thôi chứ sao. Còn phải mười hai đồng cân nước móc vào ngày bạch lộ, mười hai đồng cân nước sương vào ngày sương giáng, mười hai đồng cân tuyết vào ngày tiểu tuyết. Đem bốn thứ này hòa với thuốc, thêm mười hai đồng cân mật ong, mười hai đồng cân đường trắng, viên to bằng quả nhãn, để vào trong cái hũ sứ cổ, chôn ở gốc cây hoa, khi nào ốm thì lấy một viên ra uống, sắc một đồng hai phân hoàng bá hầm canh".
Chi Nghiễn Trai đánh giá, nhụy hoa mẫu đơn trắng: trắng, thanh thuần, tinh khiết. Nhụy là tinh túy của hoa. Đây chính là một ẩn dụ cho tinh thần cao quý và tinh khiết của hai vị đại sư trong truyện. Mẫu đơn, hoa sen, phù dung, hoa mai lần lượt ứng với bốn mùa xuân hạ thu đông. Mật ong, đường trắng có vị “ngọt”, “canh hoàng bá” lại có vị “đắng” ngụ ý rằng muốn đạt được cảnh giới cao nhất về tinh thần thì không những cần trải qua mọi thái độ lạnh nhạt của sự đời, hơn nữa còn phải nếm đủ mùi vị ngọt đắng của nhân gian.
Hai chữ “vừa khéo”, vừa là một loại cơ duyên, vừa lại là một kiểu trí tuệ. Chỉ có những nữ tử có thể vượt qua được những tạp niệm thô tục chốn trần thế về tinh thần mới có thể có được trình độ thông minh như thế này, đặt được cơ duyên như thế này. Trong các hình tượng nữ tử trong tiểu thuyết, chỉ có Bảo Thoa về bản chất là có thể vượt qua được trần tục. Còn Đại Ngọc và Phượng tỷ, giống như nói ở trên, đều mang tư tưởng Nho giáo và Pháp giáo, có quan niệm cố chấp về dục vọng trần thế. Vì vậy, bệnh của họ sau cùng cũng không thể chữa được. Cho dù có được phương thuốc “Lãnh hương hoàn” cũng chẳng thể gặp được cơ duyên “khéo” như thế. Thế nên, trong kết cấu quan hệ giữa Bảo Thoa với Đại Ngọc, Bảo Thoa đương nhiên cũng trở thành nhân cách lý tưởng và sự ký thác về “xuất thế” của tác giả.
Nhân sâm dưỡng vinh hoàn: Là một loại thuốc độc đối với Lâm Đại Ngọc
Hồi thứ 3 của tác phẩm mang tên: “Nhờ anh vợ, Như Hải đền được ơn dạy bảo, đón cháu ngoại, Giả mẫu xót thương trẻ mồ côi” có viết: “Đại Ngọc tuy còn bé, nhưng ngôn ngữ cử chỉ đứng đắn. Người yếu như không cáng đáng nổi cái áo nhưng có một vẻ phong lưu riêng. Mọi người thấy thế, biết ngay là khi sinh ra khí huyết không đủ. Có người hỏi: "Thường uống thuốc gì? Vì sao không chữa khỏi?”… Vị hòa thượng này ăn nói điên khùng mấy câu chẳng đầu chẳng cuối, cũng chẳng ai thèm để ý ông ta. Bây giờ vẫn luôn uống thuốc nhân sâm dưỡng vinh thì hơn. Giả mẫu bảo: “Vừa hay, ta đang sắc thuốc, bảo họ lấy thêm một liều nữa là được”.
Y học hiện đại cho rằng nhân sâm trong thuốc nhân sâm dưỡng vinh là loại thuốc bồi bổ cơ thể. Giả mẫu có thể dùng được nhưng để cho Lâm Đại Ngọc uống thì lại không được. Bệnh của Lâm Đại Ngọc giống như là bệnh lao, âm hư nội nhiệt, các triệu chứng chủ yếu là ho khan, ho ra máu, sốt nóng, đổ mồ hôi trộm và cơ thể ngày càng gầy gò ốm yếu,...
Nhân sâm là loại thuốc bổ khí huyết. Giả mẫu là người già, khí huyết suy yếu, thuốc nhân sâm dưỡng vinh có nhân sâm là loại thuốc chính và có các loại thuốc bổ khí huyết khác, đương nhiên là trị đúng bệnh của người già. Thế nhưng, loại thuốc này có tính trung nhưng vẫn có ôn tính, nếu uống loại thuốc tính nóng trong thời gian dài thì sẽ làm tổn thương dương khí, gây khô nóng miệng lưỡi, cổ họng khô rát, hoàn toàn có hại cho bệnh của Đại Ngọc.
Lâm Đại Ngọc ốm yếu bẩm sinh, âm thể suy nhược, dương khí hư tổn, lại thêm tính cách đa nghi ưu sầu hay suy nghĩ, năng lượng sinh mệnh đi ra quá nhiều, dương khí không đủ, được gọi là âm hư hỏa vượng, cần phải bổ âm hạ hỏa. Nhân sâm bổ khí, thừa khí thì sinh hỏa, hỏa lúc này lại là hỏa mạnh hỏa lớn, là hỏa bệnh lý.
Bị nóng trong mà lại ăn đồ bổ khí thì sẽ khiến chức năng cơ thể suy giảm, chất dinh dưỡng trong cơ thể cũng sẽ dần bị cạn kiệt. Nếu như uống nhân sâm thì đồng nghĩa với việc đổ thêm dầu vào lửa, càng thêm hư tổn âm khí. Vì thế, mọi người thường nói, nhân sâm quá nóng, ăn nhiều sẽ bốc lửa cũng chính là vì thế. Sự ra đi của Lâm Đại Ngọc, mang ý nghĩa tình yêu tự do không được chấp nhận, báo trước cho sự suy sụp của Giả phủ.
Thuốc mà Giả Bảo Ngọc uống: “Tục dược” cũng có ngụ ý, tương ứng với "Lãnh hương hoàn" là trong hồi thứ 28 có viết: “Ngọc Hàm tặng thắt lưng, gợi được mối tình. Tiết Bảo Thoa cởi chuỗi thơm, lộ ra vẻ thẹn”.
"Trong một lần ăn cơm, Vương phu nhân hỏi thuốc mà Lâm Đại Ngọc uống, Bảo Ngọc cho rằng Đại Ngọc cơ thể yếu ớt, thế nên uống thuốc là tốt nhất. Bảo Ngọc nói: “Mẹ cứ cho con 360 lạng bạc, con sẽ làm cho cô ấy một liều thuốc, chắc nhắn chưa uống hết liều thuốc bệnh sẽ khỏi…. Thuốc ở chỗ ta khác với những chỗ khác. Tên thuốc cũng rất kỳ quái, một lúc cũng không thể nói hết được. Chỉ nói nhau đàn bà đẻ con so, nhân sâm có lá 360 lạng cũng chưa đủ. Còn phải có hà thủ ô, rùa lớn, phục linh đảm ở rễ cây tùng nghìn năm. Những thứ thuốc như thế cũng chưa lấy gì làm lạ, còn phải chọn thứ thuốc đầu vị nữa".
Nói ra làm người ta phải rùng mình… Cứ theo đúng cách thức trong đơn thì phải lấy những châu ngọc ở trong ngôi mộ của những người giàu sang cài đầu ngày xưa khi chết đem chôn theo mới hay. Nhưng bây giờ không lẽ vì đơn thuốc lại đi đào bới người ta lên sao tiện. Vì thế chỉ cần là đồ mà người sống từng dùng thì đều có thể dùng được”.
Thuốc này vừa hay lại là sắc cho Lâm Đại Ngọc, không nói tới thuộc tính của thuốc, chỉ nói tới phương thuốc thôi cũng đã thấy quá thô tục. Tác giả như thể có ý muốn để nó giống với "Lãnh hương hoàn": một lạnh một nóng, một thanh nhã, một thô tục. Tính tượng trưng của “Lãnh hương hoàn” dường như rõ ràng hơn. Trong “Hồng lâu mộng”, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa luôn là hai mặt ngang hàng với nhau.
Có người nói, nếu như đem hai ngươi hợp nhất lại thì đó chính là một người con gái lý tưởng trong lòng tác giả, cũng có thể hình tượng ban đầu của nhân vật là một người. Tác giả đem hai phương diện khác nhau của một người viết thành 2 người khác nhau. Nhà phê bình từng nói rằng: “Thoa, Ngọc, tuy tên là hai nhưng lại là một, có thể giao hoán được cho nhau”. Thế nên, một cô gái trong cảnh hư ảo, nàng “Dung mạo xinh đẹp rực rỡ tựa như Bảo Thoa, dáng vóc xinh đẹp, lung linh tựa như Đại Ngọc”. Tên gọi là “Kiêm mỹ”. Đối với thuốc, tác giả cũng tạo ra cho mỗi người một loại, tạo ra sự tương ứng.
Canh ích khí dưỡng vinh bổ tỳ và gan: Ẩn giấu bí mật kinh thiên động địa
Hồi thứ 10 tên: “Kim quả phụ tham lợi chịu nhẫn nhục. Trương thái y xem bệnh nói gốc nguồn” có viết: “Phương thuốc mà Trương thái y kê cho Tần Khả Thanh là: Canh Ích khí dưỡng vinh bổ tỳ và gan. Giả Dung xem đơn thuốc xong, nói: “Vô cùng uyên bác. Xin thỉnh giáo tiên sinh, bệnh này rốt cuộc có hại đến tính mạng hay không?”. Tiên sinh cười nói: “Cậu mới là sáng suốt nhất. Bệnh đến thế này, cũng đã quá lâu rồi. Uống thuốc này vào còn nhờ ở "duyên" nữa”. Đơn thuốc cao minh như thế, bị Lưu Tâm Vũ giải nghĩa ra được một bí mật đoạt đích của Hoàng Thất.
Hồi thứ 57: “Tử Quyên khôn ngoan, đặt chuyện thử lòng cậu Bảo. Tiết Di hiền hậu, đem lời an ủi cô Lâm” có viết: “Đến tối Bảo Ngọc đã đỡ, Giả mẫu với đám Vương phu nhân mới quay về phòng. Cả đêm đều còn cho người tới hỏi han mấy lần. Vú nuôi Lý dẫn Tống ma ma với mấy người già nữa trông nom tận tình. Tử Quyên, Tập Nhân, Tình Văn đều ngày đêm ở bên cạnh. Có lúc Bảo Ngọc ngủ thiếp đi thì lại ngủ mơ giật mình tỉnh dậy, nếu không khóc lóc bảo Đại Ngọc đã đi rồi thì lại là có người tới đón. Mỗi lần tỉnh dậy đều phải có Tử Quyên an ủi mãi mới thôi. Giả mẫu lại sai lấy các thứ thuốc quý bí truyền như: “Khư tà thủ linh đơn” và “Khai khiếu thông thần tán” cho uống. Hôm sau lại uống thuốc của thầy thuốc họ Vương, bệnh mới đỡ dần. Bảo Ngọc trong bụng đã tỉnh nhưng vì sợ Tử Quyên về mất nên cố ý làm ra dáng điên dại”.
Thực ra, bệnh của Bảo Ngọc rõ ràng là Tử Quyên thăm dò ra, có thể thấy tình cảm giữ Bảo Ngọc và Đại Ngọc không hề bình thường. Sau cùng, thứ chữa khỏi được bệnh của Bảo Ngọc vốn dĩ không phải là mấy loại thuốc như “Khư tà thủ linh đơn” với “Khai khiếu thông thần tán” mà là một hồi giải thích của Tử Quyên. Tâm bệnh của Bảo Ngọc, tâm bệnh thì đương nhiên phải dùng tâm dược để chữa.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)