Trong "Tam Quốc", Gia Cát Lượng thường được mô tả là một vị thừa tướng tài đức song toàn của nhà Thục Hán. Ông có tài đoán mưu lập kế như thần, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, là biểu tượng của lòng trung nghĩa và trí tuệ anh minh. Đối với nhiều người, Gia Cát Lượng là một quân sư kiệt xuất, khiến nhiều kẻ thù phải lo sợ. Tuy là người xuất chúng như vậy nhưng Gia Cát Lượng cũng phải e ngại trước vị tướng này của Tào Tháo khi hai lần bị đánh bại. Và nhân vật này chính là Tào Chân.
Gia Cát Lượng xuất chúng cũng phải e ngại trước Tào Chân khi hai lần bị vị tướng này đánh bại.
Thực tế theo sử chép, Tào Chân là một nhân tài có một không hai ở Tào Ngụy, nhưng ông lại bị làm mờ nhạt khá nhiều trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”. Tào Chân thực tế là một võ tướng tài năng xuất chúng, ông là người khiến Gia Cát Lượng vô cùng e ngại khi đối đầu. Nhưng Tào Chân trong tiểu thuyết, thường bị những kế sách xuất thần của Gia Cát Lượng làm khó, từ đó quân Ngụy bị đẩy vào thế hạ phong. Thậm chí, ông chết uất ức vì lá thư của Khổng Minh gửi tới nhục mạ.
Tài liệu lịch sử không ghi chép Tào Chân sinh ra năm nào, thậm chí đến cha mẹ là ai cũng không có ghi chép chính xác. "Tam Quốc chí" nói cha của Tào Chân là Tào Thiệu, là họ hàng với Tào Tháo, sau khi Tào Thiệu mất, Tào Tháo nhận Tào Chân làm con nuôi, còn trong "Ngụy Lược" lại nói cha của Tào Chân là Tần Bác Nam, có quan hệ rất tốt với Tào Tháo, vì vậy, cha của Tào Chân là ai không ai biết, sợ rằng đến cả bản thân Tào Tháo cũng không biết.
Gia Cát Lượng sáu lần Bắc phạt, nhưng lần nào cũng đều thất bại, trong đó có 2 lần là bại dưới tay Tào Chân. Năm 228, Gia Cát Lượng Bắc phạt lần đầu, tại Ky Cốc, Tào Chân dễ dàng đánh bại Triệu Vân và Đặng Chi, những người đã được giao nhiệm vụ dẫn quân già yếu làm nghi binh để đánh lạc hướng quân Ngụy. (Quân chủ lực của Thục do Gia Cát Lượng chỉ huy thì tập trung tấn công Kỳ Sơn). Trong khi đó, một tướng Ngụy khác là Trương Cáp đem quân tấn công và đánh bại Mã Tắc trong Trận Nhai Đình. Vào khoảng thời gian đó, Dương Điều ở quận An Định tập hợp được một số người, đã bắt một số quan địa phương làm con tin và chiếm được phủ thu thuế. Khi Tào Chân đem quân tái chiếm quận An Định, Dương Điều tự trói mình rồi ra hàng. Gia Cát Lượng và quân Thục lui quân sau khi biết tin Mã Tắc đã bại trận. Quân Ngụy dưới sự chỉ huy của Tào Chân và Trương Cáp đã tận dụng cơ hội này để dập tắt các cuộc nổi loạn ở ba quận và lập lại trật tự.
Theo sử chép, Tào Chân là một nhân tài có một không hai ở Tào Ngụy, nhưng ông lại bị làm mờ nhạt khá nhiều trong tiểu thuyết lẫn phim “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Sau đó, Tào Chân nhận thấy Gia Cát Lượng sẽ tấn công Trần Thương, lệnh tướng Hác Chiêu và Vương Sanh trấn thủ. Quả nhiên lần thứ hai Gia Cát Lượng xuất binh đã đánh Trần Thương. Hác Chiêu và quân phòng thủ của nước Ngụy đã chuẩn bị kỹ càng từ trước, họ đã giữ vững được thành Trần Thương trước cuộc tiến công của quân Thục. Gia Cát Lượng ra lệnh rút lui sau khi không phá được thành Trần Thương. Sau trận này, Tào Chân được tấn phong Đại tư mã, quyền uy tối thượng.
Trước lúc qua đời, Ngụy Văn Đế Tào Phi đã để lại di chiếu lệnh cho Tào Chân được quyền phụ chính. Lời phó thác này cũng đã chứng minh sự tín nhiệm gần như tuyệt đối mà vị Hoàng đế ấy dành cho người con nuôi của cha mình - Tào Tháo. Sau khi Tân đế Tào Duệ lên ngôi, Tào Chân một lần nữa được phong làm Đại tướng quân, tước Thiệu Lăng hầu.
Theo sử liệu, ngày 16 tháng 3 năm 230, Đại tư mã Tào Chân nhận thấy Thục Hán quấy nhiễu biên cương không có lợi, bèn kiến nghị công chiến Thục Hán, Minh Đế Tào Duệ chấp thuận ý kiến này. Tào Chân từ Trường An tiến quân, còn Tư Mã Ý từ Hán Thủy tiến quân, đến Tà Cốc sẽ đồng loạt tiến công Thục Hán. Tuy nhiên trời đổ mưa, cuộc hành quân tạm hoãn. Ngay sau đó, Tào Chân đột nhiên mắc bệnh, phải về Lạc Dương. Tháng 4 năm 231, Đại tư mã Tào Chân qua đời, thụy là Nguyên hầu.
Nhiều người cho rằng, Tào Chân nếu không chết sớm e là Tư Mã Ý cũng sẽ chẳng có cơ hội xuất đầu lộ diện, lại càng không có khả năng đoạt được chính quyền Tào Ngụy.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)