Theo khoản 26 điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 nghiêm cấm thực hiện hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông đường bộ để trốn tránh trách nhiệm, khi có điều kiện mà không cứu giúp người bị tai nạn giao thông đường bộ.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 80 của bộ luật quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ phải:
- Dừng ngay phương tiện, cảnh báo nguy hiểm, giữ nguyên hiện trường, trợ giúp người bị nạn và báo tin cho cơ quan công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc UBND nơi gần nhất;
- Ở lại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan công an, UBND nơi gần nhất;
- Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ và thông tin liên quan của vụ tai nạn giao thông đường bộ cho cơ quan có thẩm quyền.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 nghiêm cấm thực hiện hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông. Ảnh minh họa
Đối với người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ, bộ luật quy định phải có trách nhiệm: Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc UBND nơi gần nhất; tham gia bảo vệ hiện trường, tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin liên quan về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ người gây tai nạn và người liên quan chỉ được sử dụng phương tiện liên quan đến vụ tai nạn để đưa nạn nhân đi cấp cứu trong trường hợp không có phương tiện nào khác.
Tuy nhiên, trước khi đi, họ phải xác định vị trí phương tiện, vị trí nạn nhân tại hiện trường, không được làm thay đổi, mất dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ. Trường hợp có người chết phải giữ nguyên hiện trường và che đậy thi thể.
Trong khi đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm chở người bị thương đi cấp cứu.
Ảnh minh họa.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hành vi gây tai nạn giao thông không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, UBND nơi gần nhất sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng áp dụng cho người điều khiển xe máy, và 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô.
Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra cho thấy người điều khiển phương tiện có lỗi gây tai nạn và gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên; hoặc làm một người bị thương với tỷ lệ tổn hại sức khỏe từ 61% trở lên; hoặc Tổng tỷ lệ tổn hại sức khỏe của hai người trở lên từ 61% trở lên, thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đặc biệt, nếu người gây tai nạn cố tình bỏ đi nhằm trốn tránh trách nhiệm, hoặc không cứu giúp người bị nạn, hành vi này sẽ bị xem xét là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 260. Khung hình phạt trong trường hợp này là từ 3 đến 10 năm tù.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)