Gà luộc xương bị đỏ hoặc bên trong còn chảy nước đỏ trong khi thịt bên ngoài chín khiến nhiều người lo ngại như thế còn sống ăn có thể bị nhiễm khuẩn. Dưới góc nhìn sinh học, hiện tượng này rất bình thường. Cơ thể động vật có hai dạng protein là Hemoglobin (Hb) và Myoglobin (Mb).
Hemoglobin Hb giúp cung cấp oxy cho các tế bào nhỏ trong máu, còn Myoglobin Mb gắn chặt hơn với oxy thường dự trữ trong các cơ thịt và xương. Với các loại gia cầm như gà, vịt vừa có thịt trắng và vừa có thịt đỏ hơi sậm ở chân và cánh vốn hoạt động nhiều.
Myoglobin Mb thoạt nhìn qua có màu đỏ giống máu nhưng thực chất không phải, bởi máu sẽ đông nhanh khi tiếp xúc với không khí. Điều đó khiến nhiều người băn khoăn vì sao luộc gà lửa to, nhiệt cao với thời gian khá lâu mà khi chặt vẫn thấy đỏ xương nên không yên tâm khi sử dụng.
Đỏ không có nghĩa là sống như nhiều người tưởng
Những con gà non, gà tơ thì cấu trúc xương, cơ chưa vững chắc nên khi chặt, Myoglobin Mb phản ứng với không khí hòa chung với nước tạo thành chất lỏng chảy ra. Điều này cũng lý giải khi ăn bò bít tết chín tái cắt ra có chút nước đỏ sậm nhưng vị ngọt mà không hề có mùi tanh nồng của máu.
Cách nhận biết thịt gà luộc đã chín
Các đầu bếp chuyên nghiệp thường có nhiệt kế để đo độ chín của thực phẩm bằng việc xiên vào trong thực phẩm. Với gà luộc, gà nướng, xiên nhiệt kế vào mà ở 80 độ thì gà chín và thịt an toàn đã được diệt khuẩn. Bạn nên xiên vào phần thịt dày nhất đó chính là phần đùi gà. Còn theo mẹo của người Việt thì dùng tăm hoặc xiên nhọn xiên vào không thấy nước đỏ là chín.
Cách xử lý tránh thịt gà bị đỏ thịt, đỏ xương
Để xử lý tình trạng gà bị đỏ xương, đỏ thịt thì thay đổi nồng độ PH của môi trường, thêm chút giấm hoặc chanh. Mẹo dùng chanh và muối hạt chà xát khi sơ chế gà vừa giúp khử mùi hiệu quả, lại có tác dụng khi luộc hạn chế tình trạng đỏ xương.
Nhiều món ăn Âu Mỹ hay ướp chút nước cốt chanh vừa giúp da giòn và hạn chế Mb không biến đổi khi tiếp xúc không khí.
Một cách khác nữa để luộc gà nhanh theo cách hiện đại là lọc phần thịt riêng để luộc, còn xương để riêng nấu nước dùng.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)